Nếu vô tình trở thành F1, bạn sẽ được cách ly ở đâu, như thế nào? Bạn cần làm gì trong tình huống này và khi có kết quả xét nghiệm âm tính?
Theo Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống Covid-19 mới nhất của Bộ Y tế (ban hành ngày 31.7), các trường hợp tiếp xúc gần - F1 sẽ được xử trí như sau:
Về cách ly: Các đơn vị sẽ phải tổ chức cách ly ngay tất cả người tiếp xúc gần tại cơ sở cách ly tập trung ít nhất 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. Tốt nhất nên thiết lập cơ sở cách ly tập trung dành riêng cho người tiếp xúc gần vì những trường hợp này có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
Trong trường hợp không có cơ sở cách ly riêng, cơ sở cách ly tập trung cần bố trí phân khu dành riêng cho những người tiếp xúc gần. Những người sống trong cùng gia đình, nhà, phòng ở, cùng phòng làm việc với ca bệnh xác định cần được cách ly riêng với những người khác. Bởi những người này có nguy cơ bị lây bệnh cao nhất.
Việc bố trí, sắp xếp người vào phòng cách ly được tiến hành theo nguyên tắc phân loại nguy cơ: Những người có cùng đặc điểm dịch tễ, cùng nguy cơ, cùng thời gian thì vào cùng phòng/cùng khu cách ly.
Xét nghiệm: Lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR tối thiểu 2 lần trong quá trình cách ly. Lấy mẫu lần 1 ngay ngày đầu khi được cách ly. Lấy mẫu lần 2 vào ngày thứ 14.
Nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR ít nhất 2 lần âm tính với SARS-CoV-2, F1 được kết thúc cách ly tập trung, chuyển sang tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo. F1 không được tự ý ra khỏi nhà khi chưa thông báo với chính quyền địa phương, không tụ tập đông người và phải thực hiện nghiêm 5K.
Khi số lượng F1 quá nhiều, vượt quá khả năng cách ly tập trung hoặc các trường hợp đặc biệt khác (người già, người hạn chế vận động, trẻ nhỏ, người bị bệnh hoặc sức khỏe yếu cần phải có người chăm sóc…), xem xét áp dụng hình thức cách ly F1 tại nơi lưu trú 14 ngày theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh.
Theo Zing