Theo Luật Căn cước mới được thông qua, từ ngày 1/7/2024, mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử.
Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước mới và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Một điểm đáng chú ý, trong Luật Căn cước có điểm mới quy định về căn cước điện tử.
Theo đó, đây là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử, do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
Cũng theo quy định, mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử. Căn cước điện tử gồm danh tính điện tử (số định danh cá nhân; họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh khuôn mặt; vân tay).
Cùng với đó là một số thông tin cá nhân khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Ngoài ra, căn cước điện tử có thể được tích hợp các thông tin như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.
Đáng chú ý, căn cước điện tử sẽ bị khóa khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa; hoặc vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; hoặc bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước; hoặc chết; hoặc có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan khác có thẩm quyền.
Tương ứng với từng trường hợp, căn cước điện tử được mở khóa khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu; hoặc đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; hoặc được trả lại thẻ căn cước; hoặc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay căn cước điện tử là một nội dung mới được điều chỉnh trong luật.
Thêm vào đó, để áp dụng đồng bộ, thống nhất căn cước điện tử của người dân trên phạm vi cả nước, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đầu tư trang thiết bị cho các cơ quan, tổ chức... cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa.
Do vậy, quy định về căn cước điện tử là chính sách được đặt ra với mục tiêu hoàn thiện theo từng giai đoạn (đến năm 2030). Trong thời gian thực hiện các mục tiêu đề ra, việc sử dụng song song 2 hình thức căn cước điện tử và căn cước là cần thiết.
Đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cho biết trong Luật Căn cước mới được Quốc hội thông qua thì thông tin sinh trắc học sẽ được thu thập trong dữ liệu căn cước gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói. Trong đó, với ADN và giọng nói là không bắt buộc.
Đại diện Cục C06 nêu rõ sau khi dự luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 thì người dân đang có căn cước công dân gắn chip đã được cấp, vẫn còn hiệu lực sẽ không phải bổ sung các thông tin về sinh trắc học trên vào cơ sở dữ liệu căn cước.
Người dân chỉ bổ sung các thông tin sinh trắc học bắt buộc khi tiến hành làm lại căn cước mới theo yêu cầu hoặc có những thay đổi về thông tin.
Đồng thời, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng.
Cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Bên cạnh đó, trong 25 trường thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thông tin về nhóm máu.
Về thông tin này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Căn cước không quy định bắt buộc người dân phải cung cấp.
Thông tin này được thu thập thông qua chia sẻ dữ liệu về y tế qua cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ công tác quản lý nhà nước và bảo đảm lợi ích của người dân, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, bảo vệ sức khỏe.
Theo Tuổi trẻ