Nếu có một cơ sở dữ liệu về hoạt động giám sát của các cơ quan nhà nước thì việc giám sát sẽ hiệu quả hơn và tránh chồng chéo.
Bên lề Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động giám sát để tránh chồng chéo. Đại biểu nhấn mạnh cần có sự kết nối liên thông cơ sở dữ liệu về hoạt động giám sát giữa các cơ quan vì tại một số tỉnh, thành phố, hoạt động này của HĐND và Đoàn Đại biểu Quốc hội chưa được như kỳ vọng, vẫn còn chồng chéo.
Thực tiễn tại Hải Dương, có một số lần tôi nghe một số lãnh đạo huyện, xã than phiền phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát, khảo sát, trong đó có những nội dung na ná nhau nên có lúc phải cố gắng lắm mới bảo đảm thời gian, xử lý tốt các công việc của địa phương. Có khi đoàn giám sát về thì mỗi đồng chí lãnh đạo chia nhau tiếp một đoàn. Có đồng chí phụ trách lĩnh vực được giám sát lại đang bận việc khác nên người dự thay không nắm rõ tình hình để trả lời, giải trình các vấn đề đoàn giám sát quan tâm. Điều này dẫn đến những buổi làm việc "nhạt" và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả giám sát.
Thiết nghĩ, nếu có một cơ sở dữ liệu về hoạt động giám sát của các cơ quan nhà nước có chức năng này thì việc giám sát sẽ được tối ưu, hiệu quả và tránh chồng chéo, quá tải cho cơ sở. Cơ sở dữ liệu giám sát sẽ giúp các cơ quan tra cứu được thông tin về kế hoạch, thời gian, nội dung giám sát của nhau để từ đó có sự sắp xếp phù hợp. Mặt khác, kết quả giám sát (trừ các nội dung mật) sẽ là một dữ liệu hữu ích để các cơ quan, các cấp có thể tra cứu khi cần thiết để phục vụ công tác chuyên môn hoặc để tránh thực hiện thêm một cuộc giám sát chồng chéo.
Ví dụ, khi các ban HĐND tỉnh định thực hiện kế hoạch giám sát chuyên đề nhưng thấy nội dung này đã được cấp huyện thực hiện giám sát chưa lâu thì có thể nghiên cứu kết quả giám sát của cấp huyện và tìm hiểu thêm những vấn đề cần thiết. Trong đợt giám sát chuyên đề về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Hải Dương, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã giao Thường trực HĐND cấp huyện chủ trì giám sát 8 huyện, thành phố và báo cáo. Với 4 huyện còn lại và 2 doanh nghiệp xử lý rác, Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp giám sát. Nhờ sự vào cuộc của Thường trực HĐND các huyện, Thường trực HĐND tỉnh nhanh chóng có được kết quả giám sát chuyên đề về thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương.
Bên cạnh đó, hoạt động giám sát có nội dung, quy mô rất rộng nên cần một cơ sở dữ liệu để thuận tiện cho việc theo dõi, đánh giá và tái giám sát. Hiện nay, nhiều cơ quan có chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát, khảo sát. Cơ quan giám sát sau cũng có thể nghiên cứu kết quả của đợt giám sát của cơ quan khác trước đó để so sánh sự chuyển biến. Cơ sở dữ liệu này nếu được đưa vào sử dụng cũng sẽ là một căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát của các cấp, các ngành.
Thậm chí, cơ sở dữ liệu này có thể mở rộng cho toàn dân truy cập để cùng theo dõi và giám sát việc thực hiện các kết luận sau giám sát. Qua đó, hiệu lực, hiệu quả giám sát sẽ được củng cố, nâng cao khi có sự thống nhất, phối hợp, công khai giữa các cơ quan với nhau và giữa các cơ quan với cử tri, nhân dân.
HẢI AN