Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân đề xuất sớm biện pháp kiềm chế giá thực phẩm đồng thời trực tiếp hỗ người nghèo có tiền chi tiêu...
Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng chưa cần "hốt hoảng" vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) âm hai tháng liên tiếp, nhưng đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận và có giải pháp cho vấn đề sức mua kiệt quệ.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân hiện là Hiệu phó Đại học Kinh tế TP HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiện tệ Quốc gia |
- Một số chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam chưa rơi vào trạng thái giảm phát, suy giảm. Còn ông có quan điểm thế nào, khi GDP 6 tháng chỉ tăng 4,38% và CPI âm trong hai tháng 6 và 7?
- Kinh tế đang suy giảm là thực tế không còn phải bàn cãi. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng vẫn tăng nhưng là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn cả về đầu vào lẫn đầu ra, sản xuất đình đốn khi tổng cầu thế giới giảm mạnh và sức mua trong nước kiệt quệ. Chính phủ cũng đã nhìn thấy thực trạng này nên mới đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bên cạnh mục tiêu lâu dài là kiềm chế lạm phát.
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng đang đi đúng theo mục tiêu đề ra. Từ đầu năm ngoái, chúng ta đã nêu cao mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng đến tháng 8, CPI vẫn tăng hơn 23% so với cùng kỳ 2010. Chỉ số này sau đó bắt đầu đi xuống và đến tháng 7 này tăng 5,35% so với cùng kỳ. Lạm phát năm nay chắc chắn dưới hai chữ số, đâu đó khoảng 7-8%.
Tính theo tháng, CPI tháng sáu và bảy đều âm, điều này chưa có gì cấp bách tới mức phải hoảng hốt. Mà thực tế tôi lại lo nguy cơ giá tăng trở lại nếu không có biện pháp phòng ngừa từ sớm. Nhìn kỹ vào cơ cấu hàng hóa tính CPI, có thể thấy vẫn còn nhiều nguy cơ tăng giá các nhóm hàng chủ lực. Giá lương thực thực phẩm so với cùng kỳ năm ngoái vẫn tăng, riêng thực phẩm tăng 1,95%. Mặt hàng này thời gian tới có nhiều nguy cơ tăng giá mạnh trở lại do sản lượng chăn nuôi không đáp ứng đủ nhu cầu, người nông dân bỏ chuồng trại sau thời gian dài thua lỗ vì dịch bệnh, giá rớt.
- Vậy theo ông nên có giải pháp gì để phòng ngừa nguy cơ này?
- Người nông dân hiện vô cùng khó khăn sau thời gian dịch bệnh hoành hành, giờ sức mua lại suy kiệt khiến giá giảm, họ không có lãi để tiếp tục chăn nuôi. Nguy cơ đóng chuồng trại là điều dễ nhìn thấy, đàn gia súc, trang trại thủy sản vì thế sẽ suy giảm nghiêm trọng. Thực phẩm là thứ không thể thiếu với người dân Việt Nam sau lương thực, và nó đang chiếm một tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tính CPI.
Vì thế, cần sớm có cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi. Nếu người người trồng lúa đã được Chính phủ có chính sách thu mua với giá làm sao để người dân không lỗ, rồi có chủ trương thu mua tạm trữ, thì cũng nên có những ưu đãi cho người chăn nuôi. Sản phẩm chăn nuôi cũng có thể mua tạm trữ được, bằng cách chế biến đông lạnh và đem ra dùng khi cần. Đó chỉ là một giải pháp, các bộ ngành cần vào cuộc để làm sao khuyến khích người nông dân duy trì hoạt động chăn nuôi, sản xuất. Nếu không có chính sách kịp thời, giá thực phẩm tăng cao và CPI sẽ tăng mạnh trở lại trong quý tư.
- Theo dự báo của ông, bao giờ CPI sẽ bắt đầu tăng trở lại?
- Đà giảm sẽ kéo dài không lâu nữa, có thể sang tháng 9 sẽ tăng trở lại do độ trễ tác động điều chỉnh giá xăng, giá điện, lúc đó lại vào mùa tựu trường nên chi phí giáo dục sẽ tăng lên. Ngoài ra, chúng ta cũng có ý chí nới lỏng đầu tư công trong những tháng cuối năm, tăng cường tín dụng. Khi đầu tư công tăng, tổng cầu sẽ tăng lên, nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn sẽ khiến tỷ giá biến động theo hướng làm giảm giá trị đồng Việt Nam.
Vì thế có thể nhắc lại, điều đáng quan tâm nhất CPI âm đấy chính là sức mua suy kiệt. Nhưng điều đó không có nghĩa là CPI sẽ không còn nguy cơ tăng trở lại nếu không kiểm soát.
- Vậy vấn đề sức mua suy kiệt nên được nhìn nhận như thế nào trong bối cảnh giá một số mặt hàng thiết yếu vẫn tăng và có nguy cơ tiếp tục tăng cao?
- Doanh nghiệp hiện nay gặp khó cả về đầu vào (chi phí sản xuất kinh doanh, lãi vay tăng cao) và cả đầu ra (tổng cầu thế giới giảm mạnh, sức mua trong nước suy kiệt). Nói điều đó để thấy rằng một khi sức mua suy kiệt, thì doanh nghiệp chịu ảnh hưởng đầu tiên, sản xuất sẽ tiếp tục đình trệ, kinh tế khó phục hồi.
Đã đến lúc cần có gói kích cầu cho người tiêu dùng trong nước, trong đó tập trung ưu tiên cho đối tượng thu nhập thấp, người nghèo. Chính phủ đã có giải pháp hỗ trợ thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân. Nhưng theo tôi như vậy chưa đủ, chính sách này chỉ có ý nghĩa với những người có thu nhập chịu thuế hoặc vẫn còn tiền để mua hàng hóa.
Nhưng còn rất nhiều người thu nhập thấp không tới mức phải đóng thuế để hưởng chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân, cũng có rất nhiều người không có tiền mua hàng hóa để được hưởng chính sách giảm thuế VAT. Họ chưa được hỗ trợ nhiều. Nên chăng có chính sách kích cầu với đối tượng này, có thể cho tiền trực tiếp hoặc phát thẻ mua hàng nhân các sự kiện, dịp nào đó.
- Tại sao ông lại đề xuất phải kích cầu tiêu dùng?
- Kích cầu tiêu dùng cũng là cách gián tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nhiều giải pháp Chính phủ đã đưa ra, nhưng nó cần độ trễ và thực tế cần có ngay các biện pháp bổ sung. Vấn đề đau đầu của doanh nghiệp lúc này là hàng tồn kho nhiều, nếu kích cầu tiêu dùng, sẽ giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, có tài chính để trang trải cho hoạt động của mình.
Giải pháp này cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ ngành, để làm sao ưu đãi đến đúng địa chỉ, đúng người thu nhập thấp, tránh lợi dụng.
Các doanh nghiệp giờ đây vừa khó khăn về vật chất vừa sa sút về tinh thần, sức chiến đấu đang cạn dần. Họ chịu khó khăn suốt thời gian dài, lãi suất cao chất ngất. Cùng với giải pháp kích cầu, cần có thêm các biện pháp mới kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và đặc biệt xử lý nhanh nợ xấu ngân hàng. Vì nếu để lâu, cục máu đông này sẽ quay trở lại tác oai tác quái với nền kinh tế. Đó cũng là lý do tại sao Thống đốc kêu gọi lãi suất 15% nhưng rất ít ngân hàng chấp nhận đầy đủ lời kêu gọi này.
Sức khỏe của doanh nghiệp chưa thể kỳ vọng tốt lên ngay, sẽ còn nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động. Vì vậy cần nghiên cứu thực tế, đề nghị các bộ ngành tích cực đối thoại nhiều hơn với doanh nghiệp để bắt trúng bệnh và có giải pháp xử lý kịp thời.
SONG LINH(VnE)