Một số đại biểu đề nghị tỉnh có chính sách xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân lao động với giá khoảng 100 triệu đồng/căn như Bình Dương đang làm.
Thảo luận tại tổ chiều 10.7 nội dung Tờ trình về chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đại biểu Nguyễn Quang Phúc (Tứ Kỳ) cho rằng tỉnh ban hành chương trình quá chậm.
Các đại biểu thảo luận Tờ trình về chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hải Dương đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Ảnh: Thành Chung
Theo đại biểu Phúc, khi thực hiện chương trình này, tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến nhu cầu nhà ở xã hội cho những đối tượng có thu nhập thấp, công nhân lao động trong các khu công nghiệp... Toàn tỉnh hiện có khoảng 100.000 công nhân lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Các công nhân đi làm hiện nay chủ yếu bằng xe buýt. Tuy nhiên, đối với những công nhân phải làm ca đêm, những công nhân đã có gia đình, con cái thì việc đi lại gặp nhiều khó khăn trong khi với mức thu nhập dưới chục triệu mỗi tháng thì họ chẳng bao giờ mua được nhà ở.
Đại biểu Phúc cho biết các khu công nghiệp có kế hoạch xây nhà ở xã hội cho công nhân nhưng rất ít. Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát mới xây được một số ít nhà ở cho công nhân. Các khu công nghiệp Phúc Điền, Đại An có quy hoạch đất làm nhà ở xã hội nhưng đến nay vẫn chưa xây.
Nhắc lại câu ngạn ngữ "An cư mới lập nghiệp", đại biểu Phúc đề nghị tỉnh có chính sách thu hút doanh nghiệp xây nhà ở xã hội giá rẻ cho công nhân. Đại biểu Phúc cho biết tại Bình Dương, công nhân chỉ cần bỏ ra 100 triệu đồng là mua được 1 căn nhà ở khá tốt. Hải Dương cũng cần phấn đấu xây dựng được những căn nhà có giá khoảng 100 triệu để bán cho những công nhân có nhu cầu.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đề nghị khi xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân phải có các công trình phúc lợi đi kèm như trường học, trạm y tế để cho con em công nhân học, chữa bệnh khi ốm đau. Bà Vân chia sẻ với các huyện, thành phố, thị xã có khu, cụm công nghiệp về áp lực gia tăng dân số lưu trú tạm thời đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm đến cơ sở vật chất trường học, đội ngũ giáo viên tại những địa phương này.
Đại biểu Đoàn Việt Hùng (TP Hải Dương) đề nghị khi thực hiện chương trình phát triển nhà ở cần quan tâm đến các khu tập thể cũ trên địa bàn TP Hải Dương. Những khu tập thế này hiện đang xuống cấp nhưng do nằm trong quy hoạch nên người dân không thể sửa chữa. Do đó, điều kiện sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa bão.
Mỗi lớp mầm non có hơn 1,4 giáo viên thì dạy thế nào?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ)
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ) cho biết mỗi lớp bậc học mầm non hiện đang giao 1,43 biên chế trong khi bình quân mỗi lớp có trên 20 cháu. Đặc thù của giáo viên mầm non phải chăm sóc các cháu từ ăn uống, vệ sinh đến ngủ nghỉ nên mỗi lớp giao chưa được 2 biên chế thì dạy thế nào? Đại biểu Sẫm đề nghị tỉnh quan tâm giao biên chế giáo viên mầm non mỗi lớp ít nhất 2 giáo viên. Nếu không giao biên chế thì tỉnh cần cho cơ chế hợp đồng với giáo viên mầm non.
Đại biểu Hoàng Hạnh Phương (Tứ Kỳ) cho biết sĩ số học sinh ngày càng tăng trong khi đó số trường lớp hệ công lập lại không tăng. Do đó, nhiều phụ huynh phải cho con em mình học trường công lập. Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo quy định phổ cập giáo dục đến bậc THCS. Tuy nhiên, một số trường THCS hiện nay lại phải tự chủ thu chi khiến học phí tăng cao. Ví dụ Trường THCS Lê Quý Đôn thu học phí rất cao, gây khó khăn cho phụ huynh có con em học tại đây. Đại biểu Phương đề nghị tỉnh có biện pháp giải quyết.
Đại biểu Nguyễn Thị Hường (Chí Linh) đề nghị tỉnh có chính sách đãi ngộ để thu hút giáo viên và đội ngũ bác sĩ có năng lực. Đại biểu Hường dẫn chứng mấy năm nay, các trường sư phạm không thu hút được thí sinh, chất lượng đầu vào thấp đặt ra lo ngại về chất lượng giáo viên khi ra trường. Tỉnh hiện vẫn rất thiếu bác sĩ nhưng gần đây một số bác sĩ đã bỏ ra tỉnh ngoài có chế đội đãi ngộ tốt hơn làm việc. Có bác sĩ sau khi được cử đi học nâng cao trình độ chuyên môn đã tự nguyện trả lại kinh phí đào tạo được tỉnh đầu tư để ra ngoài làm.
Theo ông Vũ Văn Lương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, số học sinh năm nay tăng cao chưa từng có với tổng cộng hơn 400 lớp, tạo áp lực rất lớn lên cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Việc có nhiều giáo viên hợp đồng, theo ông Lương là do lực lượng viên chức nữ trong độ tuổi sinh đẻ nhiều, trẻ mầm non bán trú tăng cao do đó phải hợp đồng người nấu ăn… “Toàn tỉnh hiện có 1.981 giáo viên hợp đồng. Số giáo viên viên thuộc diện này rất lo lắng sau rà soát có được giảng dạy nữa không", ông Lương trăn trở. Người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh cho biết việc không tham mưu cho UBND tỉnh sáp nhập cấp tiểu học với cấp THCS vì hai cấp học rất khó điều tiết trong giảng dạy, quản lý.
Không đồng tình với ý kiến của ông Lương, đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn) cho rằng mô hình liên trường cấp 1, 2 từng tồn tại nhiều năm nên việc thực hiện không khó. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một sự thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở xem mô hình thế nào, đặc biệt là mô hình trường chuẩn quốc gia sau sáp nhập. Hiện hướng dẫn thực hiện sáp nhập liên trường THCS và THPT yêu cầu các địa phương tự thảo luận xây dựng kế hoạch. Huyện Kinh Môn đã xây dựng kế hoạch sáp nhập Trường THCS Phúc Thành vào Trường THPT Phúc Thành nhưng hướng dẫn của tỉnh lại khác hoàn toàn định hướng ban đầu. "Việc này làm cho địa phương lúng túng, bao công bàn bạc, thảo luận coi như công cốc", đại biểu Hùng bức xúc.
NHÓM PV