Sáng 23-11, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thống kê (sửa đổi), thảo luận dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Đắk Nông) băn khoăn khi nâng độ tuổi trẻ em thì học sinh cấp 3
chưa biết để tổ chức nào quản lý. Ảnh: TTXVN
TTXVN - TT
Ý kiến cử tri Trẻ em cần biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em vào năm 1990. Cùng với đó, chúng ta đã thể chế hóa, nội luật hóa các quyền của trẻ trong các văn bản, quy định pháp luật, tiêu biểu là Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Tuy nhiên sau nhiều năm, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nổi cộm là tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, lạm dụng vẫn nhức nhối và có chiều hướng gia tăng. Việc Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) là bước đi cần thiết để khắc phục hạn chế trên. Tôi rất tán đồng với việc tăng độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 tuổi bởi điều này phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia. Việc tăng độ tuổi trẻ em cũng đồng nghĩa với việc các em sẽ được tạo điều kiện để phát triển hoàn thiện cả thể chất lẫn tâm hồn, bởi dưới 18 là độ tuổi chưa phát triển đầy đủ về sức khoẻ và nhận thức, chưa đủ các điều kiện cần thiết để trở thành người trưởng thành, cần được bảo vệ, chăm sóc đặc biệt từ gia đình, xã hội. Việc tăng độ tuổi cũng giúp các em được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi dành cho người chưa thành niên trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội. Trong dự thảo, các quy định về các hành vi bạo lực, xâm phạm trẻ em còn chung chung. Cần phải quy định rõ ràng, cụ thể, trong đó chú trọng đến các hành vi như mua bán, lạm dụng tình dục, đánh đập, tra tấn, bạo hành thể chất, tinh thần, hành vi cô lập, xua đuổi, chửi bới... Cùng với đó là các chế tài xử phạt thật nặng đối với các hành vi trên để làm gương, răn đe. Thành lập nhiều tổ chức bảo vệ trẻ em từ khu dân cư, trường học, cơ quan… để khi xảy ra tình trạng trẻ bị xâm hại có thể kịp thời vào cuộc. Theo tôi, trẻ em cần được biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Muốn vậy phải đưa Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào giảng dạy trong nhà trường. Trẻ em phải được tiếp cận với luật này từ các bậc học cơ sở để nắm được quyền lợi cũng như các phương thức đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời cũng để trẻ em hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với gia đình, xã hội mà luật quy định. Thạc sĩ, luật sư ĐÀO THANH HUYỀN Khuyến khích thành lập các cơ sở chăm sóc trẻ không nơi nương tựa Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) có nhiều nội dung mới như quy định cụ thể hơn trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội liên quan đến trẻ em; tăng cường trách nhiệm giám sát của các tổ chức thành viên MTTQ, các cơ quan của Quốc hội về thực hiện luật, các chương trình liên quan đến trẻ em. Công tác bảo vệ trẻ em được quy định rõ ràng, cụ thể, trong đó có các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Điều này thể hiện Nhà nước đặc biệt coi trọng đến trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước. Theo tôi, các cơ quan chức năng, nhất là chính quyền cơ sở phải sát sao nắm bắt tình hình trẻ em trên địa bàn để bảo vệ, can thiệp, hỗ trợ kịp thời đối với các trường hợp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chú trọng vai trò của cộng đồng và cá nhân trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đứng ra thành lập các cơ sở chăm sóc, bảo trợ trẻ mồ côi, cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đặc biệt với các tổ chức, cá nhân làm các công việc này. ĐINH HƯƠNG NGA Bảo đảm quyền lợi cho trẻ em đặc biệt khó khăn Dự thảo Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đề xuất bổ sung thêm 4 nhóm trẻ vào diện đặc biệt khó khăn gồm: nhóm trẻ rời nơi cư trú ban đầu, đến nơi mới cách xa nơi cư trú ban đầu, trẻ em bị buôn bán, nhóm trẻ bị bạo lực, trẻ em bị tai nạn thương tích. Theo tôi, trong thực tế, ngoài 10 nhóm trẻ thuộc diện đặc biệt khó khăn được quy định trong luật hiện hành thì 4 nhóm trẻ trên cũng là đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Những tác động về nạn buôn bán, bị bạo lực, tai nạn thương tích hay bị xa gia đình dễ khiến cho trẻ phải gánh chịu những hậu quả xấu về sức khỏe, tinh thần. Những trường hợp này, gia đình và xã hội cần quan tâm giúp đỡ để các em vượt qua những tổn thất về thể xác, tinh thần. Nhóm trẻ thuộc diện đặc biệt khó khăn được hưởng nhiều chế độ như trợ cấp bảo trợ xã hội, giáo dục hòa nhập, cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe lúc ốm đau... Việc đưa thêm 4 nhóm trẻ em trên vào diện đặc biệt khó khăn sẽ giúp các em được hưởng những quyền lợi cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi để các em có cơ hội phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, ngoài những quy định về quyền trẻ em trong dự thảo luật, theo tôi cần bổ sung thêm quyền được bảo vệ khỏi mọi hình thức bóc lột làm phương hại đến bất kỳ phương diện nào của trẻ em… để phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. VŨ THIÊN TRUNG |
Sáng 24-11, QH nghe Tờ trình về việc quyết định ngày bầu cử, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; giới thiệu nhân sự để QH bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; biểu quyết thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Buổi chiều, QH bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; các Đoàn đại biểu QH thảo luận về đề nghị QH phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia và dự kiến nhân sự Tổng Thư ký QH. |