Dù chỉ tham gia Ủy ban Kiểm tra của cấp ủy đảng cơ sở, nhưng tôi sẽ luôn ghi nhớ lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn: Cán bộ làm công tác kiểm tra thì “phải có dũng khí đấu tranh, thật sự công tâm, khách quan, chính trực và hơn ai hết, phải liêm, phải sạch".
Dư âm của những ngày Quốc tang dường như vẫn còn, hình ảnh những đoàn người đủ mọi giới, lứa tuổi ở nhiều vùng miền từ Nam chí Bắc nối nhau xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tiễn biệt đồng chí về nơi đất mẹ khiến người người xúc động. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: “Ông cha ta nói rồi, Cụ Hồ nói rồi và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói: Thước đo là lòng dân. Chúng ta thấy bà con đến đây thể hiện rất rõ điều đó. Tình cảm của người dân là thước đo chính xác nhất”.
Tôi thì nghĩ việc người dân thể hiện tình cảm tiếc thương, kính trọng với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó nhất định có sự tâm phục, khẩu phục với “người đốt lò”.
Và tôi, một cán bộ đang tham gia Ủy ban Kiểm tra của cấp ủy đảng cơ sở vẫn nhớ lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn: "Không liêm, không sạch thì không nói được người khác, không kỷ luật được người khác. Nhiều người thường vẫn ví các cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng phải là những Bao Công của thời nay, phải là những người cộng sản chân chính vừa có dũng khí đấu tranh vừa có lòng nhân ái và nhiều khi phải chịu đựng hy sinh về quyền lợi cá nhân nữa”.
Nhìn lại kết quả của công tác kiểm tra, kết quả của cuộc chiến phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư chúng ta thật khâm phục quyết tâm của người đứng đầu Đảng. Gần đây, cứ sau mỗi kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương – “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban hay chính những phiên họp của Ban Chỉ đạo, ta lại thấy những tập thể, cá nhân bị bêu tên. Có tập thể, cá nhân bị gọi tên vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, có cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến tháng 2/2024, đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính gần 219.000 tỷ đồng (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2022); kiến nghị xử lý hành chính 7.524 tập thể, 7.944 cá nhân. Năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố hơn 4.500 vụ, hơn 9.370 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (tăng 46% số vụ án so với năm 2022). Trong đó, án tham nhũng khởi tố mới 899 vụ, 2.446 bị can (tăng gần 2 lần về số vụ, hơn 2 lần số bị can so với năm 2022)…
Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay đã có 6 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng bị xử lý kỷ luật; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có 2 đồng chí là lãnh đạo chủ chốt thôi giữ các chức vụ trong Đảng, Nhà nước liên quan đến Quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương và trách nhiệm người đứng đầu.
Ở Hải Dương, chỉ tính từ khi tái lập tỉnh (tháng 1/1997) đến cuối năm 2023, Ủy ban Kiểm tra các cấp trong tỉnh đã kiểm tra 1.378 lượt tổ chức đảng và 9.338 lượt đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; đã xem xét, thi hành kỷ luật và tham mưu cấp uỷ kỷ luật 8.169 lượt đảng viên và 108 lượt tổ chức đảng vi phạm.
Ngành kiểm tra Đảng trong cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng luôn thể hiện tư tưởng "chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả" với phương châm xử lý "công minh, chính xác, kịp thời", “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Kết quả “đốt lò”, tống “củi” vào lò từ cấp cơ sở tới Trung ương thời gian qua chứng tỏ những người tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã “có dũng khí” hơn, “Bao Công” đã xuất hiện ở nhiều nơi.
KIM THANH