Vấn đề cấp thiết hiện nay là cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần sớm nhận diện âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch.
Thời gian qua, các thế lực phản động, thù địch tiếp tục lợi dụng các vấn đề về tôn giáo với thủ đoạn, hình thức mới, tinh vi, xảo quyệt hơn để chia rẽ Đảng, Nhà nước, quân đội với nhân dân; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó sớm nhận diện âm mưu, thủ đoạn mới của chúng là vấn đề cấp thiết hiện nay đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng: “Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật”, hoạt động tôn giáo ở các địa phương luôn ổn định, phạm vi hoạt động, quyền tự do tín ngưỡng của các tôn giáo được tôn trọng, bảo đảm. Các tổ chức tôn giáo được công nhận xây dựng và thực hiện đường hướng hành đạo phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc.
Tuy nhiên, với tác động của tình hình quốc tế, mặt trái của toàn cầu hóa và cơ chế thị trường, âm mưu “chính trị hóa” tôn giáo của các thế lực thù địch đã làm cho đời sống của đồng bào tôn giáo bị ảnh hưởng và không ngừng biến đổi, tiềm ẩn “nguy cơ” bất ổn an ninh chính trị ở một số địa phương. Mục đích cuối cùng của chúng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Do vậy, chúng sẽ nghiên cứu sâu hơn, kỹ hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như thực tiễn sinh sống của đồng bào tôn giáo để xác định âm mưu, thủ đoạn thực hiện vấn đề này quyết liệt hơn, tinh vi hơn, xảo quyệt hơn.
Các thế lực thù địch, phản động khéo léo đưa ra một số hạn chế, thiếu sót có tính nhạy cảm của chính quyền các địa phương trong công tác tôn giáo; đồng thời “vô tình” so sánh hệ thống chính sách, pháp luật về tôn giáo của Việt Nam với luật pháp quốc tế, với chính sách, pháp luật về tôn giáo của một số nước tự cho mình có quyền “dân chủ” cao hơn, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo; thậm chí, chúng còn khơi gợi xây dựng, ban hành quy định pháp luật về tôn giáo tương đồng luật pháp một số nước “dân chủ” làm “thòng lọng”.
Thâm độc, nguy hiểm và tinh vi hơn, một số đối tượng đã thành lập hội, nhóm mang danh nghĩa tôn giáo, phục vụ sinh hoạt tôn giáo; một số đạo lạ có tên gọi mỹ miều, mang tính chất “hướng thiện” làm cho con người trở về với “chân - thiện - mỹ”. Đối tượng chú trọng của chúng là học sinh, sinh viên, người nghèo, trình độ dân trí thấp, kể cả cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống hành chính các cấp. Lực lượng này tham gia sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến học tập, công tác, lao động, sản xuất, hạnh phúc gia đình và gây bất ổn an ninh chính trị - trật tự xã hội.
Lợi dụng vấn đề tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, tôn giáo, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động “mị tôn giáo” bằng cách kích động tín đồ các tôn giáo với chiêu bài “bảo vệ quyền lợi của giáo hội”, “bảo vệ quyền lợi của tín đồ tôn giáo” để lôi kéo tín đồ tôn giáo tụ tập, biểu tình, nêu yêu sách đòi lại đất đai để cơi nới, mở rộng khu thờ tự, thậm chí xin đất xây nơi thờ tự mới... gây rối an ninh trật tự.
Có thể khẳng định, tôn giáo luôn là lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến nhiều tầng lớp xã hội, được các thế lực phản động, thù địch lợi dụng để tiến hành các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng, khó lường, vừa trực tiếp vừa gián tiếp, mang cả yếu tố quốc tế, tác động lên mọi lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, giáo dục cho đến lĩnh vực chính trị, quốc phòng - an ninh... Vì vậy, đòi hỏi tinh thần cảnh giác, tính chủ động cao của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân luôn bám sát địa bàn, để đề ra biện pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của chúng.
NGUYỄN THANH