"Cấm trại" để phòng dịch tả lợn châu Phi

01/03/2019 11:11

Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 6 tỉnh, thành phố, trong đó có các địa phương lân cận Hải Dương như Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng nên nguy cơ lây nhiễm vào tỉnh ta rất cao.


Ngành thú y khuyến cáo người chăn nuôi cần chú trọng tiêm phòng cho lợn

Hiện nay, Chi cục Thú y tỉnh cùng người chăn nuôi đang phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn dịch lây lan vào Hải Dương.

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi cũng như các loại dịch bệnh khác xảy ra trên đàn lợn, nhiều ngày nay anh Nguyễn Học ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) đã thực hiện ''cấm trại''. Tất cả cán bộ, công nhân làm việc tại trại tuyệt đối không được ra ngoài, mọi hoạt động từ sinh hoạt đến ăn uống đều diễn ra trong trang trại. Trang trại được phun thuốc sát trùng hằng ngày thay vì 2 ngày mới phun như trước, lượng thuốc cũng tăng gấp 3 lần. Vôi bột được rắc xung quanh trang trại 1 tuần/lần. Các phương tiện vận chuyển như xe máy, ô tô trước khi đi vào trại cũng được phun thuốc sát trùng. Anh Học cho biết: "Gần đây, dịch lở mồm, long móng đã làm nhiều trang trại ở khu vực này bị thiệt hại. Do thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch nên trang trại của tôi vẫn an toàn. Nhưng với dịch tả lợn châu Phi thì chưa biết thế nào được. Hiện nay, tôi phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch để mong không bị ảnh hưởng''.


Anh Nguyễn Học ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) rắc vôi bột khu vực đường đi xung quanh trang trại để phòng chống dịch bệnh

Những ngày này, ông Trần Quốc Hoa, cán bộ thú y xã Ngô Quyền (Thanh Miện) thường xuyên xuống các hộ chăn nuôi để kiểm tra tình hình và hướng dẫn biện pháp phòng bệnh. "Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Khi lợn bị nhiễm bệnh tỷ lệ chết lên đến 100% và hiện chưa có vaccine đặc hiệu phòng bệnh, trong khi đó virus gây bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường. Hiện diễn biến thời tiết có nhiều phức tạp, mưa phùn làm cho độ ẩm không khí cao khiến các mầm bệnh dễ lây lan và bùng phát thành dịch bệnh. Một khi dịch bệnh xảy ra thì rất khó để ngăn chặn. Do đó, ngoài các biện pháp phòng chống bệnh thông thường thì các trang trại khu vực này đều cấm người lạ đến gần khu chăn nuôi", ông Hoa nói.

Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang quyết liệt triển khai biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Chi cục Thú y tỉnh đã cấp phát 2 tấn thuốc sát trùng cho các huyện giáp ranh với các tỉnh, thành phố có dịch bệnh và đưa ra những khuyến cáo chi tiết các biện pháp phòng tránh dịch tả lợn châu Phi cho người chăn nuôi. Cán bộ thú y cơ sở thường xuyên kiểm tra tình hình chăn nuôi, nắm chắc số lượng, nhất là sự biến động của đàn lợn tại địa phương...


Phun khử trùng các phương tiện vận chuyển lợn khi vào, ra khỏi trang trại

Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: ''Nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào tỉnh Hải Dương là rất cao. Cách duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh là phòng chống. Đề nghị các hộ chăn nuôi phải tự nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh; tuyệt đối không buôn bán, vận chuyển và giết mổ lợn không rõ nguồn gốc. Không sử dụng đồ ăn thừa từ nhà hàng, thức ăn chưa qua xử lý nhiệt để làm thức ăn cho lợn, vì đây có thể là một trong những nguồn lây nhiễm bệnh. Khi nhập mua con giống để tái đàn, người chăn nuôi nên chọn mua ở các cơ sở cung cấp con giống uy tín; lợn phải được tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo của ngành thú y''.

Hiện nay, nhiều thương lái dựa vào tình hình dịch bệnh đã ép giá người chăn nuôi lợn. Giá lợn thịt hiện chỉ còn từ 40.000-43.000 đồng/kg, giảm 6.000-7.000 đồng/kg so với 1 tháng trước. Với giá này người chăn nuôi lãi ít hoặc hòa vốn. Giá lợn giống loại 10 kg/con giảm từ 1,5 triệu đồng/con còn 1,1 triệu đồng/con. Nhiều người chăn nuôi cho biết tình trạng thương lái ép giá khá phổ biến từ những năm trước, có khi giảm đến chục giá so với lúc không có bệnh.

NGỌC THỦY- TRẦN HIỀN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Cấm trại" để phòng dịch tả lợn châu Phi