Cảm ơn và hối lộ

03/08/2023 07:00

Cách đây vài năm, tôi đi cùng một phóng viên nước ngoài đến tìm hiểu một doanh nghiệp trong nước. Khi mọi việc xong xuôi, đại diện doanh nghiệp tặng túi quà cảm ơn.

Đó là một chiếc khăn lụa nhỏ. Nhưng anh bạn tôi kiên quyết từ chối. Anh nói, dù giá trị lớn hay bé, nhận quà sẽ gây xung đột lợi ích, ảnh hưởng đến tính khách quan của bài viết.

"Không phải gia đình, không phải người quen, không bạn bè, họ tặng tôi với mục đích gì?", anh giải thích khi ngồi trên xe về Hà Nội.

Tôi nhớ lại câu chuyện khi nghe bào chữa của nhiều bị cáo trong phiên tòa chuyến bay giải cứu, rằng các doanh nghiệp chỉ gửi tiền "cảm ơn" sau khi công việc suôn sẻ. Hành vi này diễn ra ngoài công vụ, nên "hết sức bình thường", như lời luật sư của một bị cáo. Tất nhiên, việc nhận hàng chục tỷ đồng cảm ơn là không bình thường, và lý lẽ của nhóm quan chức trên bị bác bỏ tại tòa. Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định "người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết".

Vụ án chuyến bay giải cứu là ví dụ rõ ràng của hành vi nhận tiền hối lộ. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống có những vùng xám, khiến cho việc phân biệt đâu là cảm ơn "trong sáng", đâu là cảm ơn "không trong sáng" không hề dễ dàng. Điều này phức tạp hơn trong một nền văn hóa coi trọng mối quan hệ cá nhân như ở Việt Nam.

Trong nội bộ đơn vị, ít ai coi việc biếu cấp trên chai rượu Tây sau chuyến công tác xa hay vào dịp lễ Tết là hành vi vi phạm đạo đức hay pháp luật ghê gớm. Ngược lại, những người không làm như vậy còn có thể bị đánh giá không biết trên biết dưới hoặc ứng xử kém. Trong môi trường công chức mà lời phê của cấp trên mang quyền sinh quyền sát, không ai muốn bị cô lập chỉ vì một chai rượu.

Ở bên ngoài, các doanh nghiệp đủ khôn ngoan để biết gửi lời "cảm ơn" đúng lúc. Đó một phần là lòng thành, nhưng đa phần là nhằm tác động tích cực đến quyết định chính sách liên quan đến lợi ích của họ. Cán bộ dù muốn công tâm cũng khó tránh việc ưu tiên giải quyết hồ sơ cho những ai có thái độ "biết ơn" hơn những người khác. Với cán bộ không công tâm, như trong vụ án chuyến bay giải cứu, thái độ biết ơn đó mang yếu tố quyết định chuyện kinh doanh thành hay bại.

Nhà xã hội học Yuen Yuen Yang khái quát hóa tham nhũng thành bốn loại: tham nhũng vặt, tham nhũng lớn, tiền bôi trơn (doanh nghiệp, người dân chi tiền để công việc được xử lý nhanh hơn), và tiền quan hệ (doanh nghiệp bỏ tiền để xây dựng quan hệ với quan chức). Xóa bỏ hai hình thức đầu tiên đã khó, xử lý hai kiểu tham nhũng tiếp theo còn khó hơn. Làm sao xác định được quan hệ nhân quả giữa việc doanh nghiệp A thường xuyên thăm hỏi một cán bộ cấp cao với việc họ trúng các gói thầu lớn? Làm sao biết được món quà cảm ơn của họ xuất phát từ tình cảm thay vì vụ lợi?

Để ngăn chặn nguy cơ xung đột lợi ích ngay từ đầu, bởi thế, cần sớm bỏ văn hóa tặng quà "cảm ơn" ở cả bên trong lẫn bên ngoài bộ máy nhà nước. Điều này có thể thực hiện bằng cách áp mức "trần" giá trị quà tặng. Ở Mỹ, công chức không được nhận quà có trị giá hơn 20 USD (0,04% thu nhập trung bình hàng tháng) từ bất kỳ ai. Nếu quy đổi theo tỉ lệ thu nhập Việt Nam, mức tiền được phép nhận tương đương 24.000 đồng. Bởi thế, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người ở Mỹ và các nước khác, giữ thói quen mở gói quà để kiểm tra ngay khi được tặng.

Loại bỏ "tiền bôi trơn" và "tiền quan hệ" cần nhiều hơn các quy định lẫn hình phạt nghiêm khắc. Về hai mặt này, có lẽ Việt Nam không thua kém nước nào. Nhưng hàng chục nghìn văn bản chống tham nhũng sẽ không có ý nghĩa nếu thiếu hệ thống giám sát đủ mạnh. Hệ thống đó cần tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia một cách hiệu quả. Chính trị gia ở những nước có chỉ số minh bạch cao từ chối tiền "cảm ơn" không chỉ vì sợ vào tù, mà bởi áp lực giải trình khủng khiếp từ công chúng và cử tri. Không có hệ thống quy định nào là không có kẽ hở, nhưng khi cán bộ đủ tinh ranh để thoát lưới pháp luật, họ vẫn có thể bị trừng phạt bởi các khế ước xã hội khác.

Thêm vào đó, xây dựng bộ máy nhà nước vận hành hiệu quả, phi cá nhân, và không thiên vị trước hết cần bắt đầu từ việc đảm bảo mức thu nhập thỏa đáng cho cán bộ. Sẽ ít ai chấp nhận rủi ro mất việc khi nhận chút quà cảm ơn, nếu họ được đảm bảo cuộc sống bởi công việc hiện tại.

Với công chức, lời cảm ơn chỉ chân thành khi không mang sức nặng vật chất.

NGUYỄN KHẮC GIANG/VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảm ơn và hối lộ