Làm cha làm mẹ, sinh con ra ai chẳng muốn con mình lành lặn như bao người khác.
Mẹ con bà Dung trong ngôi nhà nhỏ chưa đầy 20 m2
Thế nhưng, mong muốn ấy đối với bà Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1956, trú tại thôn Phúc Lâm, xã Minh Đức, Tứ Kỳ) là một điều quá sức tưởng tượng. Bởi từ khi sinh con cho đến nay là chuỗi ngày dài bà phải nhọc nhằn nuôi nấng, chăm sóc cho đứa con trai tật nguyền.
Trong ngôi nhà nhỏ chỉ hơn chục mét vuông và không có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi cũ đã hỏng là hình ảnh một cậu bé chân tay co quắp, gầy gò nằm ở trên giường. Bên cạnh là bà Dung với mái tóc đã lốm đốm bạc, khuôn mặt khắc khổ đang ngồi lặng lẽ nắn bóp chân tay cho con. Chốc chốc cậu bé lại kêu ú ớ và cười ngờ nghệch với mẹ mình.
Ngồi trò chuyện và tâm sự với chúng tôi, bà Dung cho biết bà sinh ra trong gia đình đông anh chị em và nghèo khó. Bản thân không được học hành nhiều, lại phải sớm vào đời bươn chải, làm thuê làm mướn để phụ giúp gia đình. Cuộc sống cứ trôi đi như vậy trong nghèo khổ với nỗi lo cơm áo gạo tiền nên dần dà bà đã bị lỡ chuyện chồng con.
Mãi đến gần 40 tuổi, khi các anh chị em trong gia đình đã yên bề gia thất, bà mới nghĩ đến chuyện kiếm cho mình một đứa con để nương tựa tuổi già. Năm 1992, bà mang thai và sinh ra một cậu con trai, đặt tên là Nguyễn Văn Bình. Nhưng số phận thật trớ trêu, từ khi sinh ra, Bình lại bị tật nguyền.
Từ nhỏ đến lớn, Bình chỉ có thể nằm một chỗ, không nói, không đi lại được, chân tay co quắp và thường xuyên ốm đau bệnh tật.
Bà Dung đau khổ tột cùng nhưng khúc ruột mang nặng đẻ đau, dù con bệnh tật thế nào bà cũng không đành bỏ con. Thế là từ đó, mẹ con bà Dung thường xuyên ra vào bệnh viện. Mỗi lần đưa con đi viện là tốn kém tiền của, thuốc thang rất nhiều.
Bà Dung kể trước đây, bà ở với bố mẹ ruột nhưng sau đó, để tiện cho việc chăm sóc người con bệnh tật, bà được bố mẹ dành cho một phần đất để xây một ngôi nhà nhỏ cho hai mẹ con sinh sống.
“Bình nó tuy tật nguyền, không nói được nhưng mỗi khi mẹ và người khác nói chuyện, nó đều lặng yên lắng nghe và hiểu được lời mọi người nói. Những lúc bị ốm, nó chỉ kêu ú ớ, không cười nhiều nhưng rất ngoan, không hay quấy dỗi hay làm mẹ phải buồn phiền”, bà Dung tâm sự.
Bởi gia đình, anh chị em cũng khó khăn và không giúp được gì nhiều cho hai mẹ con nên để có thể trang trải cho cuộc sống, bà Dung đành để con ở nhà để đi làm thuê làm mướn. Công việc của bà không cố định và phải phụ thuộc vào sức khỏe của cả hai mẹ con. Nếu thời gian đó con trai không bị ốm, không phải đi bệnh viện, bà có thể để con ở nhà và đi ra thị trấn Tứ Kỳ để giúp việc gia đình theo giờ. Sáng đi sớm, trưa về cho con ăn uống, chiều bà lại đi và tối mịt mới về.
Công việc mang tính chất tranh thủ và không cố định nên mỗi tháng bà cũng chỉ được gần 2 triệu đồng để trang trải chi tiêu ăn uống, sinh hoạt cho cả hai mẹ con. “Bình mỗi tháng cũng được nhà nước hỗ trợ hơn 500 nghìn đồng. Tháng nào nó mà bị ốm đau phải đi bệnh viện là coi như tháng đó hai mẹ con phải cầm cự rau cháo nuôi nhau. Nhiều lúc nhìn con ốm, kêu ú ớ trong đau đớn mà tôi chỉ biết khóc thương con chứ không biết phải làm thế nào cả”, bà Dung rơm rớm nước mắt nói.
Bà Mai Thị Định, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Minh Đức cho hay toàn xã có khoảng gần 30 trường hợp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, cần được giúp đỡ nhưng trường hợp của mẹ con bà Dung là trường hợp khó khăn nhất. Trước người con trai hay ốm đau, bệnh tật phải đi viện nhiều thì nay bà Dung sức khỏe cũng yếu hơn rất nhiều.
“Cách đây mấy tháng, bà Dung bị tai biến phải đi viện mất gần một tháng. Cậu con trai phải nhờ mọi người xung quanh chăm sóc giúp. Bà ấy mới xuất viện về nhà nhưng sức khỏe chưa bình phục nên cũng không làm được gì nhiều để có thu nhập cho hai mẹ con sinh sống”, bà Định chia sẻ.
Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Lăng, Chủ tịch UBND xã Minh Đức cho biết hàng năm, xã đều kêu gọi các nhà hảo tâm, con em sinh sống, làm việc trên địa bàn cùng nhau chung sức, đóng góp kinh tế để giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Đối với trường hợp mẹ con bà Dung, vừa qua ông Lăng cũng đã vận động được một đơn vị mỗi tháng ủng hộ 500.000 đồng để giúp đỡ.
“Những phần quà dành cho các gia đình dù giá trị vật chất không nhiều nhưng lại mang ý nghĩa tinh thần lớn nhằm động viên, an ủi họ hãy luôn cố gắng phấn đấu và vượt lên số phận, vượt lên chính mình. Bằng những gì có thể nhất, chúng tôi cũng đang tích cực kêu gọi, vận động người xung quanh dang tay cứu vớt và giúp đỡ những mảnh đời, gia đình bất hạnh, nghèo khổ này”, ông Lăng nói.
Mọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm xin gửi về địa chỉ: Bà Nguyễn Thị Dung (trú thôn Phúc Lâm, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương).
Theo báo Pháp luật