Thời gian qua, bằng nhiều biện pháp hiệu quả, chất lượng nước tại các hồ ở đô thị dần được cải thiện, đem lại không gian sống xanh, sạch hơn cho người dân.
Chất lượng nước hồ sau Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Hải Dương đã được cải thiện rõ rệt
Sạch hơn
Ông Nguyễn Văn Hòa ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) đã nhiều năm sống ngay bên hồ Bình Minh nên cảm nhận rất rõ về sự thay đổi môi trường nước trong hồ. Theo ông Hòa, từ lâu người dân sống quanh đây không còn thấy hình ảnh bờ hồ nham nhở đầy cỏ, rác, mặt hồ ken đặc bèo tây. Cũng không còn cảnh thỉnh thoảng cá chết dạt kín một góc hồ, bốc mùi nồng nặc như trước. "Từ khi bờ hồ được kè, đường dạo đổ bê tông, người dân không còn xả rác bừa bãi xuống hồ như trước nữa. Nước thải của các hộ dân cũng được thu gom vào hệ thống chung, không xả trực tiếp xuống hồ. Cảnh quan sạch đẹp hơn", ông Hòa cho biết.
Anh Việt ở huyện Thanh Miện thường xuyên có việc ở TP Hải Dương nên hay ngồi uống nước tại một quán nước nhỏ trên vỉa hè đường Hồng Quang, cạnh hồ nước sau Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh Hải Dương. Anh Việt nhận xét thời gian gần đây, mặt hồ không còn rác nổi lềnh bềnh. Nước hồ đã được cải thiện rất nhiều, không còn bốc mùi như trước. Thành phố đã cho trồng thêm cây sen, súng cải tạo cảnh quan nên mặt hồ đẹp hơn trước rất nhiều.
Ông Nguyễn Đức Sáu, Giám đốc Xí nghiệp thoát nước (Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương) cho biết TP Hải Dương có khoảng 50 ha diện tích mặt hồ với một số hồ lớn như: Bạch Đằng, Bình Minh... Trước đây, nước thải sinh hoạt và một phần nước thải sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp gần đó chưa được xử lý xả thẳng xuống hệ thống kênh mương, hào thành rồi đổ ra các hồ làm cho môi trường nước ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra, do bờ hồ chưa được kè nên các hộ dân sống xung quanh thường xuyên xả rác thải, đổ đất lấn chiếm gây ô nhiễm, cản trở dòng chảy, giảm diện tích hồ khiến tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn. Từ năm 2005, với nguồn vốn vay ODA của Cộng hòa Liên bang Đức, TP Hải Dương tập trung nạo vét, kè đá bờ hồ, thu gom nước thải đưa về trạm xử lý chung trước khi xả ra môi trường, góp phần cải thiện chất lượng nước hồ. Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương cũng thường xuyên bố trí lực lượng vớt phế thải, rác thải, xác động vật chết trên mặt hồ để giảm tình trạng ô nhiễm, ách tắc dòng chảy, chống tái lấn chiếm. Hằng năm, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch nạo vét lòng hồ, cửa cống nhằm tăng trữ lượng nước.
Một bộ phận người dân vẫn đốt vàng mã rồi thả xuống hồ khiến hồ tái ô nhiễm nghiêm trọng
Nguy cơ tái ô nhiễm
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường, nước hồ tại khu vực đô thị có tần suất và mức độ ô nhiễm nhiều hơn khu vực nông thôn. Nguyên nhân do hồ khu vực đô thị tiếp nhận nhiều nguồn nước thải khác nhau như nước thải sinh hoạt, nước thải của các nhà hàng dịch vụ xung quanh, lại ít được lưu thông hơn khu vực nông thôn.
Hiện mỗi ngày TP Hải Dương mới xử lý được khoảng 7.000 m3 nước thải sinh hoạt ở khu vực trung tâm, bằng khoảng 20% tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh của thành phố. Tuy nhiên, do mới được xử lý bằng biện pháp cơ học nên nước thải sau xử lý vẫn chưa bảo đảm quy chuẩn. Toàn bộ lượng nước thải còn lại được xả trực tiếp xuống hệ thống kênh, hồ, hào thành, sau đó được bơm cưỡng bức ra hệ thống sông xung quanh thành phố. Vì thế nếu xử lý không tốt, lượng nước thải này tràn vào hồ sẽ khiến nước hồ ô nhiễm trở lại. Ngoài ra, ý thức của một bộ phận người dân chưa tốt, thường xuyên xả rác, phế thải, xác động vật chết cũng khiến nước hồ có nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Kết quả quan trắc mới nhất cho thấy các hồ đô thị của TP Hải Dương vẫn còn nhiều chỉ tiêu ô nhiễm, điển hình như nồng độ NH4+ -N vượt quy chuẩn từ 2,6-8,9 lần, nồng độ NO2- -N vượt từ 3,9-17 lần...
Như vậy bằng cảm quan, có thể nhận thấy thời gian qua nước hồ đô thị đã sạch hơn nhưng vẫn còn nhiều yếu tố có thể làm cho nước ô nhiễm nghiêm trọng trở lại. Vì vậy, công cuộc làm sạch các hồ cần sự vào cuộc liên tục của cơ quan chức năng và quan trọng nhất là tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
VỊ THỦY