Thời gian qua, huyện Thanh Miện đã triển khai nhiều giải pháp cải tạo các bãi chôn lấp rác tập trung và xóa bỏ các bãi rác tự phát, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thị trấn Thanh Miện đầu tư gần 50 triệu đồng để xây dựng bể chứa nước thải từ bãi rác tập trung
Xóa bãi rác tự phát
Thị trấn Thanh Miện là nơi tập trung đông dân cư nên lượng rác thải ra môi trường hằng ngày rất lớn. Nhiều nơi, rác do người dân thiếu ý thức đổ không đúng nơi quy định, lâu ngày trở thành các bãi rác tự phát làm không ít người sống gần đó bức xúc. Để xử lý dứt điểm các bãi rác tự phát, UBND thị trấn đã cho người dân ký cam kết đổ rác đúng giờ và đúng nơi quy định.
"Trước đây, có những lúc chúng tôi vừa thu gom rác xong, quay lại đã thấy những túi rác khác đặt ở lề đường. Vì vậy, một ngày dù quay vòng liên tục nhưng lúc nào cũng thấy rác trên đường. Từ khi thị trấn vận động người dân cam kết đổ rác đúng giờ, việc thu gom đã thuận lợi hơn rất nhiều", một công nhân thu gom rác tại thị trấn Thanh Miện cho biết.
Theo lãnh đạo UBND thị trấn Thanh Miện, để dẹp các bãi rác tự phát trên địa bàn, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; phối hợp với Huyện đoàn tổ chức các "Ngày chủ nhật xanh" thu gom rác thải. Địa phương còn yêu cầu HTX Dịch vụ nông nghiệp thị trấn tăng cường công nhân vệ sinh và thời gian thu gom rác trong ngày; tổ chức tuần tra, giám sát nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp vứt rác bừa bãi.
Nhờ những giải pháp tích cực trên, nhiều bãi rác tự phát ở thị trấn Thanh Miện đã được dẹp bỏ. Phong trào này của thị trấn đã được huyện nhân rộng tới các địa phương khác. Nhờ đó một số bãi rác tự phát trên đường tỉnh 392C, 392B, khu dân cư... cũng đã được chính quyền các địa phương dẹp bỏ.
Không chỉ quyết liệt trong việc xử lý các bãi rác tự phát, Thanh Miện còn quan tâm đến việc thu gom, xử lý vỏ đựng thuốc bảo vệ thực vật, túi nilon tại các kênh mương nội đồng. Năm 2019, huyện đã trích kinh phí mua hơn 300 bể thu gom phát cho các xã, thị trấn. Định kỳ hằng tháng, các địa phương phối hợp với đội thu gom rác tổng vệ sinh môi trường trên các cánh đồng, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật để vận chuyển về bãi rác tập trung xử lý theo quy định.
Xử lý bãi rác quá tải
Lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng khiến 3 bãi rác của xã Lam Sơn luôn trong tình trạng quá tải. Năm 2017, xã được cấp trên hỗ trợ 500 triệu đồng để xây dựng thêm bãi rác tập trung với diện tích 500 m2. Để tránh rò rỉ nước thải ra môi trường, xã đã cho lót bạt và rải cát xuống đáy. Định kỳ hằng tháng, tổ thu gom rác thải của xã phun thuốc khử trùng, men vi sinh để rác phân hủy nhanh hơn.
Theo lãnh đạo UBND xã Lam Sơn, hiện nay 3 bãi rác tại 3 thôn đã quá tải nên rác thải chủ yếu được đưa về bãi rác tập trung của xã để xử lý. Với dân số gần 8.000 người, không lâu nữa bãi rác ở đây cũng sẽ quá tải nên địa phương đã dành khoảng 3.600 m2 đất để mở rộng bãi rác tập trung khi cần thiết. Đối với diện tích bị lấp đầy, Lam Sơn sẽ cho lu lèn, phủ cát, đất để trồng cây xanh. Mỗi năm, xã dành trên 30triệu đồng cho việc cải tạo bãi rác tập trung. Địa phương cũng sẽ cho san lấp 3 bãi rác ở các thôn để trồng cây.
Năm 2017, thị trấn Thanh Miện đã di dời bãi rác bên cạnh sông Cửu An sang cánh đồng Chằm Ri với diện tích 5.000 m2. Do không có lối thoát nước nên mỗi khi mưa xuống, nước tràn ra đường, ruộng gây ô nhiễm nguồn nước tưới tiêu. Để xử lý tình trạng này, thị trấn Thanh Miện đã xây dựng 2 rãnh thoát nước và hồ xử lý nước thải tại đây.
Ông Phạm Ngọc Hậu, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Thanh Miện cho biết: "Trước đây, rác đổ tràn lan. Từ khi được UBND thị trấn giao cho thu gom, chúng tôi đã cải tạo lại toàn bộ bãi rác. Rác thu gom được vận chuyển và san gạt gọn lên từng đống. Cứ 2 tháng chúng tôi lại phun thuốc khử trùng một lần. Chúng tôi đào 2 rãnh thoát nước và hồ chứa rộng hơn 1.000 m2, lót kín nilon, dưới đáy là lớp cát dày 40 cm nên đã phần nào khắc phục được hạn chế trước đây".
Để tận dụng diện tích đất chôn lấp rác, huyện Thanh Miện còn chỉ đạo các địa phương trồng cây. Phong trào này đã thu hút được đông đảo người dân tham gia. Việc tận dụng bãi chôn lấp rác thải để trồng cây là cách làm hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại điểm tập kết rác và tránh lãng phí quỹ đất. Bên cạnh việc trồng cây xanh, nhiều địa phương trong huyện còn chủ động phân loại rác từ nguồn, xử lý rác bằng chế phẩm sinh học...
ĐỖ QUYẾT