Cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức năm 2022 từ những nguồn nào?

09/08/2021 06:01

Bộ trưởng Tài chính ban hành Thông tư 61/2021/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024.

Thông tư 61/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 9.9.2021.

Theo đó, hướng dẫn xây dựng dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (phần NSNN đảm bảo), trợ cấp ưu đãi người có công như sau:

Năm 2022, tiếp tục thực hiện chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương, kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) về thực hiện cải cách chính sách tiền lương và Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ; trong đó:

Các bộ, cơ quan trung ương lập dự toán chi tạo nguồn cải cách tiền lương từ:

- Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2021 còn dư chuyển sang năm 2022 (nếu có);

- Nguồn thu được để lại theo quy định;

- Tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ).

Riêng các cơ quan, đơn vị hành chính ở Trung ương đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền tự cân đối nguồn để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW, NSNN không hỗ trợ.

Các đơn vị sự nghiệp công lập tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW và Nghị định 60/2021/NĐ-CP, trong đó phải tự đảm bảo phần tiền lương tăng thêm phù hợp với mức tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên của đơn vị.


Các địa phương tổng hợp, báo cáo dự toán chi tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII), trong đó: tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) và nguồn cải cách tiền lương lũy kế đến hết năm 2021 chuyển sang để thực hiện (bao gồm nguồn 70% tăng thu thực hiện của NSĐP năm 2021 chưa sử dụng hết - nếu có); sử dụng một phần nguồn thu của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP.

Đối với kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (phần NSNN đảm bảo), trợ cấp ưu đãi người có công, các bộ, cơ quan căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng được giao thực hiện lập dự toán chi theo chế độ nhà nước quy định.

Thông tư 61/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 9.9.2021.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức năm 2022 từ những nguồn nào?