Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực sẽ tạo cơ hội lớn để doanh nghiệp nước ta đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường như hiện nay.
Tại Tọa đàm “EVFTA: Hành trình một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ” ngày 14.2, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Các đại biểu tham dự tọa đàm
Cơ hội lớn nhưng không dễ tận dụng
Tại tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái cho biết, EVFTA được Nghị viện châu Âu phê chuẩn ngày 12.2 đã đưa Việt Nam thành nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU).
Điều này khẳng định vai trò và vị thế chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực; thể hiện bản lĩnh và quyết tâm mở rộng quan hệ thương mại với EU, tạo thời cơ cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Không gian thị trường cho hàng hóa Việt Nam được mở rộng đáng kể cũng như hướng tới sự thịnh vượng chung cho cả hai bên. Đặc biệt, khi Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo cơ hội lớn để Việt Nam đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường như hiện nay.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam có tính bổ sung và tương hỗ hơn là cạnh tranh trực tiếp. Tuy nhiên, cũng có một số mặt hàng cạnh tranh gay gắt nhưng chúng ta có lộ trình để giảm thuế từ 7 - 10 năm. Ông Lộc cho rằng, để nắm bắt được cơ hội từ EVFTA không dễ bởi Việt Nam còn rất nhiều khó khăn cần vượt qua.
Ông Vũ Tiến Lộc phân tích: Hiện nay, nguyên liệu sản xuất của Việt Nam phần lớn từ Trung Quốc và ASEAN nên đáp ứng yêu cầu về xuất xứ là việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua, đặc biệt với ngành dệt may và giày dép. Tiếp đến, hàng rào kỹ thuật của EU như các quy định về vệ sinh dịch tễ rất cao, không nhiều doanh nghiệp trong nước đáp ứng được, đòi hỏi doanh nghiệp nỗ lực đầu tư và có quy trình quản lý chặt chẽ.
Cũng theo ông Lộc, các nước EU sẽ dựng lên các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ người tiêu dùng và thị trường của họ. Cuối cùng là, năng lực cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ hàng hóa Việt Nam ra sao? Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở mức trung bình của thế giới, trong khi thị trường châu Âu có năng lực cạnh tranh hàng đầu trên thế giới. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa dịch vụ của Việt Nam, phải tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Ngoài ra, chất lượng nhân lực của Việt Nam hiện nay chưa cao, cơ sở hạ tầng còn hạn chế.
“Mở đường cao tốc giữa chính quyền với doanh nghiệp”
Chia sẻ cụ thể về ngành nông nghiệp, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN - PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu khoảng 150 tỷ USD nông sản mỗi năm và dư địa cho nông sản Việt Nam còn nhiều. Theo tính toán, EVFTA sẽ giúp xuất khẩu nông sản tăng thêm trên 1 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, thị trường này đòi hỏi rất khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trong thủy sản, lâm sản… Trong khi đó, ngành nông nghiệp trong nước sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún chưa thành chuỗi liên kết nên rất khó quản lý để đáp ứng được các tiêu chuẩn đặt ra.
“Các doanh nghiệp phải chấp nhận đương đầu và nỗ lực, cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh của mình chứ không chờ sự bảo hộ”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói. Lịch sử mở cửa cho thấy những lĩnh vực nào chấp nhận cạnh tranh, từ bỏ bảo hộ rất sớm hiện có năng lực cạnh tranh rất cao, ngược lại những lĩnh vực luôn trong sự bảo hộ thì không phát triển được. Những mặt hàng có lợi thế như dệt may, giày dép cần sớm phát triển công nghiệp hỗ trợ, nếu không sẽ không thể tận dụng được ưu đãi về thuế quan. Điều này liên quan đến việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và siêu nhỏ.
Ông Lộc cho rằng: “Hội nhập không chỉ là vấn đề của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn mà gồm tất cả cộng đồng doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”. Phải tiếp tục có những nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. “Chúng ta mở con đường cao tốc với thế giới, với EU thì chúng ta phải mở con đường cao tốc giữa chính quyền với doanh nghiệp. Mở con đường cao tốc để thực hiện các thủ tục hành chính ở Việt Nam”, ông Lộc nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Lương Hoàng Thái lưu ý, EVFTA được xây dựng dựa trên cơ chế hai bên cùng hưởng lợi và quy định quy tắc xuất xứ rất chặt chẽ tránh trường hợp hàng từ nước khác “mượn đường” Việt Nam để hưởng ưu đãi. Vì vậy, ngoài việc khuyến khích doanh nghiệp sản xuất để được hưởng ưu đãi, Bộ Công thương có những chế tài nghiêm khắc đối với doanh nghiệp vi phạm. Cụ thể, nếu có 1 vài doanh nghiệp vi phạm trong một ngành thì có thể hạn chế xuất khẩu với cả ngành đó.
Để nhanh chóng tận dụng được cơ hội từ EVFTA, nhiều ý kiến tại tọa đàm cũng cho rằng, Chính phủ phải tập trung đồng bộ hóa cơ chế, chính sách của nước ta cho phù hợp với luật chơi, “cách chơi” khi tham gia EVFTA.
Theo Người đại biểu nhân dân