Những hành động, cử chỉ lãng mạn hoành tráng ngay từ lần đầu hẹn hò có thể rất ngọt ngào, hoặc cho thấy đối phương là một kẻ ái kỷ.
Hãy tưởng tượng bạn đang ở nhà hàng. Sau bữa tối, bạn quyết định gọi không phải một, mà 2 lát bánh ngọt để tráng miệng.
Ai cũng xứng đáng được thỏa mãn sở thích hảo ngọt. Tuy nhiên, nếu bạn ăn 2 lát bánh ngọt mỗi tối suốt nhiều tháng, sức khỏe của bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Đó là một ví dụ mà Chitra Raghavan, giảng viên tâm lý học tại Đại học Tư pháp hình sự John Jay sử dụng để giải thích về khái niệm “dội bom tình yêu” (love bombing) - khi các hành vi lãng mạn trở thành phương thức thao túng trong chuyện hẹn hò.
“Dội bom tình yêu” là hành vi làm mê hoặc một đối tượng mới bằng những cử chỉ hào nhoáng, đồng thời thường xuyên liên hệ một cách dồn dập để chiếm ưu thế trong mối quan hệ.
“Người ‘dội bom’ sẽ thể hiện sự chú ý, tình cảm, lời khen tâng bốc và tạo ra bối cảnh khiến đối phương cảm thấy gặp được nửa kia đích thực của mình thật dễ dàng”, tiến sĩ Raghavan nói với New York Times.
“Nhưng trên thực tế, người ‘dội bom’ chỉ đang tạo ra hoặc thao túng môi trường xung quanh để anh/cô ta hiện diện như một đối tượng hẹn hò hoàn hảo”, bà nói thêm.
Dưới đây là một số dấu hiệu cần ghi nhớ để bạn tránh trở thành nạn nhân của "dội bom tình yêu", cũng như lời khuyên cho những ai nghĩ rằng mình có thể đã rơi vào bẫy thao túng tình cảm.
Quan tâm, khen ngợi quá nhiều
Tiến sĩ Raghavan cho biết một trong những điều phức tạp về hẹn hò là những thứ xảy ra trong mối quan hệ lành mạnh cũng có thể xuất hiện ở mối quan hệ không lành mạnh. Thể hiện sự quan tâm quá mức là một ví dụ.
“Nếu ai đó dành sự chú ý cho bạn và duy trì điều đó suốt buổi hẹn hò đầu tiên, nó thể hiện sự quan tâm của họ. Nhưng đồng thời, sự quan tâm này cũng có thể được thể hiện theo cách khiến bạn dễ bị nuốt chửng”, tiến sĩ Raghavan, chuyên nghiên cứu về bạo lực gia đình và buôn bán mại dâm, nói.
Ảnh: Alamy
Thật khó để nhận ra điểm không phù hợp ở cử chỉ lãng mạn này, nhất là khi đối phương thốt ra những ngôn từ mà bạn hằng ao ước được lắng nghe: “Em là nửa kia đích thực của anh”, “Anh chưa từng gặp bất cứ ai mà cảm thấy gần gũi như em” hoặc “Mọi điều về em là những gì anh khao khát”.
“Nó rất phóng đại, kịch tính, nhưng đồng thời quyến rũ, lãng mạn - tùy thuộc vào những gì xảy ra ở giữa và sau đó”, tiến sĩ nói.
Bị tách biệt khỏi bạn bè và gia đình
Thật ngọt ngào khi người yêu mới của bạn muốn dành toàn bộ thời gian cho bạn. Tuy nhiên, nó giống một dấu hiệu cảnh báo nhiều hơn. Đối phương có thể là một người ái kỷ và đang cố gắng cô lập bạn khỏi những mối quan hệ khác trong cuộc sống như một cách để kiểm soát bạn.
Tiến sĩ Amy Brunell, giảng viên tâm lý học tại Đại học Bang Ohio, cho biết mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu, việc lạm dụng bạn tình và sự ái kỷ có mối liên hệ với nhau.
Trong đó, việc kiểm soát cuộc sống của một người ngay từ đầu có thể khiến họ không còn nơi để tìm sự giúp đỡ khi mối quan hệ trở nên tồi tệ.
Tặng nhiều quà
Theo tiến sĩ Raghavan, việc tặng vô số quà cho bạn trai/gái mới là cách để những người “dội bom” tạo ảnh hưởng tới đối phương. Ngay cả khi không có tiền, nhiều người “dội bom” vẫn hành động như thể họ có.
“Đó là một phần của mục đích lấn át và áp đảo đối phương, khiến họ rơi vào lưới tình nhanh chóng. Sự quan tâm, những lời đường mật, quyến rũ và quà tặng thường xuyên có thể khiến bạn khó nhận ra mình đang bị ngợp bởi chúng”, bà nói.
“Và một khi đã bị ngợp, bạn sẽ không thể nhận thấy mối nguy hiểm ở người ‘dội bom’ mình”, tiến sĩ chia sẻ.
Tiến sĩ Brunell cho biết những kẻ ái kỷ có xu hướng trọng vật chất. Do đó, họ tặng quà bạn để tự nâng cao giá trị và lòng tự trọng của mình.
“Nó gợi nhớ tôi một chút đến nhân vật Christian Grey trong bộ truyện 50 sắc thái với hàng loạt món quà cao cấp. Do những nhân vật như vậy xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông, hành vi đó trở thành quan niệm chung về sự lãng mạn của mọi người”, bà nói.
Ảnh: Freepik
Mặt khác, Paul Eastwick, giảng viên tâm lý học tại Đại học California ở Davis, lưu ý rằng không phải mọi cử chỉ hào nhoáng đều là dấu hiệu cảnh báo.
“Nhìn chung, cách chúng ta dành tình cảm cho người khác, cách chúng ta thể hiện sự quan tâm tới họ và cách chúng ta cố gắng hỗ trợ họ - tất cả đều được mong chờ sẽ mang lại kết quả tốt đẹp”, tiến sĩ Eastwick chia sẻ.
Theo ông, “dội bom tình yêu” chỉ đại diện cho “nhóm nhỏ” của những hành vi ấy.
Di chứng hậu "dội bom"
Trong các mối quan hệ lãng mạn lành mạnh của người trưởng thành, các yếu tố hỗ trợ, ham muốn và tình cảm có xu hướng tương trợ lẫn nhau, theo tiến sĩ Eastwick.
Tuy nhiên, trong trường hợp “dội bom tình yêu”, sự chú ý sẽ chỉ đổ dồn về một hướng duy nhất: Một người cố gắng trở thành cả thế giới của đối phương.
Tiến sĩ Raghavan cho biết những nạn nhân bị “dội bom tình yêu” thường cảm thấy như đánh mất ý thức về bản thân, và điều này có thể mất nhiều thời gian để họ gây dựng lại.
“Bạn mất đi ý niệm về bản thân bởi người khác đang quản lý ngay cả những điều nhỏ nhặt của bạn. Nó có thể là bất cứ điều gì, từ cách ăn mặc đến cách bạn thể hiện bản thân”, bà nói.
Các chuyên gia này cho rằng nạn nhân bị “dội bom” nên kiên nhẫn và tha thứ cho bản thân, đồng thời tìm kiếm lợi ích từ việc trị liệu tâm lý. Họ nên cố gắng kết nối lại với những người quan trọng và các hoạt động thường làm trước khi kẻ “dội bom” bước vào đời họ.
“Quá trình này cần phải xảy ra, chấp nhận những sự việc đau lòng rồi đón nhận niềm tích cực mà tương lai sẽ đem lại”, tiến sĩ Raghavan nói.
Theo Zing