Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang bước vào chính vụ trồng các loại rau như su hào, cải bắp, su lơ, rau ăn lá...
Đây là thời điểm sâu bệnh phát sinh và gây hại mạnh làm giảm năng suất, chất lượng rau. Hiện trong tỉnh đã có gần 70 ha rau bị sâu tơ gây hại, 15 ha bị sâu xanh ăn lá và 15 ha xuất hiện bọ nhảy. Để hạn chế các loại sâu bệnh phổ biến gây hại, nông dân cần chú ý các kỹ thuật nhận biết và phòng trừ sau:
1. Sâu tơ
- Sâu có màu nâu xám, mỗi cánh trước có 3 dấu hình tam giác màu nâu nhạt. Khi đậu, cánh úp sát thân như hình mái nhà, các vết hình tam giác ở cánh trước tụ lại nhìn óng ánh như kim cương. Khi mới nở, sâu gặm lá thành các đường rãnh, mới nhìn giống như những rãnh do dòi đục lá gây ra. Đến tuổi từ 2-3, sâu ăn ở mặt dưới của lá để lại biểu bì tạo thành các lỗ thủng mờ. Ở tuổi cuối, sâu ăn thủng lá. Sâu tơ gây hại trong tất cả các lứa rau vụ đông nhưng gây hại cao điểm từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau.
- Muốn phòng trừ sâu tơ hiệu quả, cần kết hợp nhiều biện pháp: Khi mật độ sâu trên cây con 20 con/m2, cây lớn 30 con/m2 thì sử dụng luân phiên một số loại thuốc như: Pertox 5EC, Oncol 20EC... Sâu tơ dễ kháng thuốc nên cần phun luân phiên các loại thuốc mới hiệu quả.
2. Sâu xanh
- Ở tuổi từ 1-2, sâu xanh non chỉ gặm chất xanh, chừa lại biểu bì và gân lá; từ tuổi 3 trở đi sâu ăn khuyết lá, nõn cây. Sâu xanh phát sinh gây hại quanh năm nhưng chủ yếu trong vụ đông.
- Để phòng trừ đạt hiệu quả cao, cần phun một số loại thuốc như Catex 1,8EC, 3,6EC, TaSiêu...
3. Bọ nhảy
- Bọ nhảy gây hại nặng nhất ở thời kỳ cây con mới mọc. Nếu mật độ 1 - 2 con/cây có thể làm cây chết.
- Khi mật độ trên 20 con/m2 có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: DupontTM Prevathon® 5SC; Actara 25WG; Angun 5WDG; Oshin 20WP; Eagle 5WC. Cần phải phun giai đoạn sâu non còn ở dưới gốc thì hiệu quả mới cao.
* Lưu ý: Khi phòng trừ phải tuân theo nguyên tắc "4 đúng", ưu tiên sử dụng thuốc sinh học và thuốc thảo mộc, bảo đảm đúng thời gian cách ly.
- Ngoài ra, nông dân có thể sử dụng biện pháp canh tác và biện pháp thủ công để giảm thiểu sâu bệnh, đồng thời tránh những tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái:
+ Biện pháp canh tác: Thu dọn tàn dư cây trồng sau thu hoạch. Cuốc lật đất cày sâu từ 10-15 cm, phơi ải từ 10-15 ngày hoặc lên luống rồi phủ nilon trên bề mặt từ 3-5 ngày để diệt ấu trùng, sau đó mới tiến hành gieo trồng. Thường xuyên luân canh với các cây khác họ.
+ Biện pháp thủ công: Tích cực thu ngắt, tiêu hủy các ổ sâu non, ổ trứng sâu. Tăng cường sử dụng bẫy, bả để bắt sâu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn