Việc ứng dụng chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu Emina vào bảo quản hành giúp tỷ lệ hành bị hao hụt giảm so với phương pháp bảo quản truyền thống từ 8-15%
Phương pháp bảo quản hành bằng rơm có tỷ lệ hao hụt thấp
Diện tích hành, tỏi chiếm tỷ lệ khá lớn trong cơ cấu cây trồng vụ đông ở Hải Dương. Toàn tỉnh hiện có 4.500 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Kinh Môn với diện tích khoảng 3.500 ha. Đây cũng là vùng chuyên canh hành lớn nhất cả nước. Hiện nay, tất cả các xã, thị trấn ở Kinh Môn đều trồng hành với quy mô từ 100-400 ha, nhiều nhất là các xã Hiệp Hòa, Lê Ninh, An Phụ, Quang Trung, Thượng Quận...
Mấy năm gần đây, thị trường nông sản có nhiều biến động khiến giá hành lên xuống thất thường, đầu ra không ổn định. Nhiều hộ dân không muốn rơi vào cảnh bị thương lái ép giá nên phải trữ hành lại, đợi thời điểm giá lên mới bán. Bà Phạm Thị Tĩnh ở thôn Vân Ô (xã An Sinh) cho biết: “Do không có kho chứa, chúng tôi phải bảo quản hành bằng một số loại thuốc chống sâu đục củ và thuốc muỗi nhưng tỷ lệ hành hao hụt sau khi bảo quản cao, từ 20-30%. Dù biết bảo quản hành bằng hóa chất sẽ gây độc hại cho người sử dụng nhưng chúng tôi không có cách nào tốt hơn”.
Để giải quyết tình trạng trên, tháng 5.2018, Viện Sinh học nông nghiệp thực hiện Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu Emina, phân hữu cơ trong sản xuất hành và biện pháp bảo quản hành bằng rơm tại Hải Dương” do GS, TS Nguyễn Quang Thạch làm chủ nhiệm. Đề tài xây dựng mô hình trình diễn bảo quản hành bằng công nghệ không hóa chất tại 3 hộ dân ở các xã Thượng Quận, An Sinh, Hiệp Hòa (Kinh Môn) với quy mô 1.500 kg/hộ. Mô hình sử dụng những nguyên liệu không có hóa chất bảo quản gồm rơm khô, lá chuối và hành đã được xử lý bằng chế phẩm Emnia trong quá trình trồng.
GS, TS. Phạm Quang Thạch cho biết: “Khoảng 600 kg rơm khô sẽ được chất thành đống đặt trên sàn gỗ cách mặt đất 10 cm, với đường kính đáy 2,5 m, chiều cao 2 m. Khối lượng rơm như vậy sẽ bảo đảm hành bên trong không bị ngấm nước mưa và nhiệt độ trong luôn duy trì ổn định. Mỗi đống ủ sẽ bảo quản 150 kg hành khô bằng 2 phương pháp khác nhau. Ở thí nghiệm 1, hành sẽ được chia thành các túi nhỏ và rải làm 4 lớp (mỗi lớp dày 5 cm) trên đống ủ. Mỗi lớp hành lại rải một lớp lá chuối, rơm có độ dày cách nhau lần lượt là 45 cm, 35 cm, 25 cm, 15 cm. Thí nghiệm 2, cố định lớp rơm ủ, mỗi lớp dày 25 cm nhưng thay đổi độ dày của hành bảo quản lần lượt là 5 cm, 10 cm, 15 cm. Tại các đống ủ chúng tôi lắp đặt hệ thống cảm ứng senser, camera để đo nhiệt độ, độ ẩm, khí CO2".
Hai phương pháp bảo quản này được đánh giá rất dễ thực hiện và không mất nhiều thời gian. Với nguồn nguyên liệu có sẵn và tuân thủ đúng theo hướng dẫn, bà con nông dân chỉ mất khoảng 2 giờ để thực hiện. Việc tận dụng nguồn rơm làm nguyên liệu để bảo quản hành sẽ giúp giảm tình trạng đốt rơm, rạ bừa bãi gây khói bụi, ô nhiễm môi trường sau mỗi vụ thu hoạch lúa. Đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất cho nông dân vì rơm là nguồn nguyên liệu có sẵn và không mất tiền mua. Hơn nữa, đây đều là những nguyên liệu tự nhiên nên không nguy hiểm cho người bảo quản và người sử dụng hành.
Sau 4 tháng thực hiện, đề tài cho kết quả rất khả quan. Tỷ lệ hành bị hao hụt khi thực hiện 2 phương pháp này giảm so với phương pháp bảo quản truyền thống từ 8-15%. Ngoài kéo dài thời gian bảo quản, tỷ lệ hao hụt thấp, phương pháp này còn an toàn cho môi trường, sức khoẻ cộng đồng do không phải sử dụng các loại hóa chất.
Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn cho biết: “Mỗi năm Kinh Môn có từ 60.000- 80.000 tấn hành khô được bảo quản để xuất bán quanh năm. Tuy nhiên, việc bảo quản hành khô bằng cách truyền thống có tỷ lệ hao hụt cao nên lợi nhuận của bà con nông dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Do đó, thành công bước đầu của đề tài đã mở ra triển vọng mới cho người dân".
ĐỖ QUYẾT