Mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu món gà nhưng không phải ai cũng biết cách luộc gà cúng đẹp, da óng vàng và không bị nứt vỡ.
Để luộc được con gà cúng thật chuẩn với làn da bóng vàng, tạo dáng đẹp nhằm đặt lên bàn thờ trong lễ cúng Tất niên, Giao thừa..., bạn phải hết sức tập trung, tỉ mỉ trong suốt quá trình chuẩn bị và luộc. Bí quyết luộc gà cúng đẹp nằm ở 3 khâu chính là chọn gà, mổ và tạo dáng gà, luộc gà.
Cách chọn gà cúng
Để có con gà cúng đẹp, cần chọn gà trống ta có trọng lượng sau mổ chừng 1,2 - 1,5 kg. Không nên mua con gà quá to vì sẽ khó đẹp hơn khi bày mâm, thịt cũng dai hơn.
Các đặc điểm cần chú ý kỹ khi chọn gà: Mào phải đỏ tươi, nhú cao đều nhau, lông mượt, nhanh nhẹn, da căng vàng ức đầy, có chỗ vàng đậm như cánh, ức, lưng; không bị thâm tím, tái, không có các đốm đen, nổi nốt, chân nhỏ (gà ri).
Dùng tay ấn vào mình gà, lườn gà hoặc đùi để kiểm tra, nếu thịt săn chắc là gà ngon. Còn nếu thịt nhão, trơn, biến dạng, bị lõm kiểu phù nhiều nước, chứng tỏ gà bị tiêm thuốc, đôi khi còn bị pha lẫn hàn the vào. Tuyệt đối không mua gà này để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
Gà mua về không nên thịt ngay, nên cởi dây trói chân, thả vào chuồng hoặc lồng để nó có thể đi lại trong nửa ngày hoặc chí ít là vài tiếng đồng hồ để máu lưu thông, tránh tình trạng gà luộc lên bị thâm đen phần chân do tụ máu chỗ bị trói.
Cách mổ và tạo dáng gà cúng
Với gà cúng, bạn không thể mổ phanh như để làm món rang, chiên hay luộc ăn bình thường. Phải mổ moi thì mới có thể tạo dáng đẹp và tránh tình trạng co da. Cắt rời phần chân từ khuỷu để tránh tình trạng co da khi luộc, gây nứt toác ở phần đùi.
Để tạo dáng gà chầu, cần lấy dao sắc rạch hai bên cổ gà, nhét phần cánh về phía miệng thông qua hai đường này. Đây là khâu cần sự cẩn thận, khéo léo để cánh không bị cong, gãy mà vẫn hướng ra ngoài.
Nếu thích dáng gà bay, hãy bẻ nhẹ hai cánh gà về phía lưng, buộc cố định phần khớp xương của hai cánh lại với nhau (độ chặt vừa phải để tránh tạo vết hằn hoặc rách da sau khi luộc).
Cách luộc gà cúng đẹp
Thoa nghệ tươi hoặt xát bột nghệ lên da gà để sau khi luộc, gà có màu vàng đẹp bắt mắt hơn. Bạn có thể cắt lát nghệ rồi chà trực tiếp lên da một cách nhẹ nhàng, hoặc giã nghệ lấy nước rồi thoa lên da gà, để trong 5 phút rồi mới luộc.
Chọn nồi để luộc gà cỡ vừa, sao cho nước đủ ngập gà. Nếu nồi lớn quá, lượng nước nhiều, đun sẽ lâu sôi làm mất nhiều thời gian mà nước luộc sẽ bị loãng. Còn nồi quá nhỏ sẽ khiến bạn khó xoay trở gà khi luộc, thịt chín không đều và da cực kỳ dễ nứt.
Khi luộc gà, bước đầu tiên vô cùng quan trọng. Nếu cho gà vào luộc khi nước đã sôi sục, da gà gặp nhiệt độ cao đột ngột sẽ lập tức bị bong tuột và nát. Chính vì thế, cần phải cho gà vào nồi ngay từ khi nước còn lạnh sao cho phần nước ngập hết toàn bộ con gà.
Chú ý phần bụng gà hướng xuống dưới. Làm như thế, gà sẽ chín từ bên trong và không bị thâm đen trong quá trình luộc. Cho gà vào nồi, đổ nước lạnh ngập thân gà. Đun lửa tới sôi lăn tăn. Không để sôi sùng sục, vì để sôi to quá, da gà rất dễ bị nứt. Lúc này, hớt bỏ bọt và để khoảng 7 - 8 phút.
Sau khi hết thời gian luộc, vớt gà vào nồi nước lạnh cho nhanh nguội, giúp da giòn hơn. Để thịt ráo nước một chút, giã nát một ít nghệ vàng rồi vắt lấy nước, trộn với mỡ gà đã rán vàng, quét một lớp mỏng lên da để con gà có màu vàng bóng và căng mượt hấp dẫn.
Với cách luộc gà cúng đẹp ở trên, chắc hẳn bạn sẽ có mâm cỗ cúng Tết thật chuẩn.
Theo VTC