Rụng tóc khiến tóc mỏng đi trông thấy. Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc, trong đó chăm sóc sức khỏe da đầu là điều bạn nên lưu tâm để có mái tóc dày óng ả và chắc khỏe.
Mối liên hệ giữa rụng tóc và sức khỏe da đầu
Khi nói đến tình trạng rụng tóc, cần chú trọng tới sức khỏe da đầu và độ chắc khỏe của tóc. Khi thức dậy vào buổi sáng, luồn tay qua mái tóc và thấy nhiều sợi tóc vương ở tay, có thể da đầu bạn đã không được nuôi dưỡng đúng cách.
Sức khỏe da đầu đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nang tóc, bởi da đầu là nơi cung cấp các dưỡng chất tới nang tóc. Da đầu khỏe mạnh cũng là một nhân tố ngăn ngừa rụng tóc.
Cách chăm sóc da đầu để suối tóc chắc khỏe, dày mượt
Da đầu khỏe mạnh là điều cần thiết để tóc phát triển tối ưu. Da đầu đóng vai trò cung cấp dưỡng chất và hỗ trợ lưu thông máu nuôi dưỡng nang tóc. Ngoài ra, da đầu còn điều tiết bã nhờn, duy trì cân bằng độ pH cho nang tóc phát triển.
Sau đây là những nhân tố ảnh hưởng tới sức khỏe da đầu mà bạn cần lưu tâm để có mái tóc đẹp và dày mượt.
1. Chế độ dinh dưỡng để da đầu khỏe mạnh, nang tóc chắc khỏe
Sự thiết hụt các chất dinh dưỡng cơ bản có thể dẫn đến rụng tóc. Khi cơ thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu như sắt, biotin và vitamin, các nang tóc sẽ bị yếu, dẫn đến tình trạng rụng tóc nhiều hơn.
Do đó, chế độ ăn uống cân bằng giàu vitamin, khoáng chất và protein là điều cần thiết để duy trì da đầu khỏe mạnh, nuôi dưỡng nang tóc chắc khỏe.
Những thực phẩm giàu sắt, protein, biotin và vitamin để tóc nhanh mọc bao gồm trứng, khoai lang, cá, các loại hạt, quả mọng và rau củ quả giàu vitamin C, thịt đỏ, đậu tương và các loại đậu đỗ.
2. Vệ sinh da đầu (gội đầu đúng cách)
Gàu, da đầu nhiễm nấm hoặc tiết quá nhiều dầu có thể dẫn đến rụng tóc. Nếu gặp phải tình trạng trên bạn cần lựa chọn loại dầu gội phù hợp với tình trạng tóc và da đầu của mình.
Nếu tóc dầu, bạn có thể cần gội đầu thường xuyên hơn. Gội đầu đúng cách để đảm bảo da đầu không bị bụi bẩn, dầu thừa gây gàu, ngứa. Da đầu sạch là cách để ngăn ngừa vi khuẩn, bụi bẩn và nấm phát triển trên da đầu.
Bạn nên lựa chọn dầu gội phù hợp với tình trạng tóc và da đầu của mình để nang tóc chắc khỏe, giảm rụng tóc.
3. Giải tỏa stress, giữ cho tinh thần luôn thoải mái
Stress có thể dẫn đến tình trạng viêm da tiết bã trên da đầu hoặc rụng tóc tạm thời. Khi tinh thần thoải mái, máu lưu thông tốt tới da đầu, bạn sẽ thấy tình trạng rụng tóc giảm hẳn.
Sắt, biotin và vitamin là những chất dinh dưỡng thiết yếu để mái tóc dày dặn, óng ả.
4. Tránh lạm dụng nhiệt, hóa chất trong tạo kiểu tóc
Sử dụng các phương thức làm đẹp tóc bằng nhiệt và hóa chất như uốn xoăn hoặc duỗi thẳng,... có thể làm yếu sợi tóc, dẫn đến gãy và rụng tóc. Thậm chí buộc tóc quá chặt hoặc dùng quá nhiều kẹp tăm, xịt gôm cũng làm tóc xơ yếu và gãy rụng.
Lạm dụng sản phẩm chăm sóc tóc hoặc tạo kiểu tóc chứa nhiều hóa chất có thể gây kích ứng, phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của da đầu. Vì vậy, bạn cần tránh lạm dụng tạo kiểu để giúp tóc phát triển một cách tự nhiên và khỏe mạnh.
5. Bảo vệ tóc khỏi tia UV và ô nhiễm không khí
Tia UV từ ánh nắng mặt trời có thể khiến tóc khô xơ, chẻ ngọn và gãy rụng. Ô nhiễm không khí làm cho nang tóc bị hư hại, suy yếu, dẫn tới rụng tóc.
Vì vậy, bạn cần che chắn cẩn thận, nhất là da đầu khi đi dưới trời nắng nóng hoặc ở nơi nhiều bụi bẩn, khói bụi, môi trường ô nhiễm nhằm duy trì da đầu khỏe mạnh, ngăn ngừa rụng tóc.
6. Massage da đầu thường xuyên
Massage da đầu tăng cường lưu thông máu, giúp da đầu khỏe mạnh và kích thích tóc nhanh mọc hơn.
Sức khỏe da đầu và tình trạng tóc có mối liên hệ mật thiết với nhau. Da đầu không khỏe mạnh có thể làm gián đoạn chu kỳ phát triển của tóc, làm suy yếu nang tóc và dẫn đến tình trạng tóc rụng nhiều hơn.
Gàu, da đầu khô hoặc viêm có thể làm tắc nghẽn nang tóc và cản trở sự phát triển của tóc. Ngược lại, rụng tóc quá nhiều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe da đầu, tạo nên một vòng lẩn quẩn khiến tóc bạn thưa và mỏng.
Vì vậy, hãy chăm sóc tóc và da đầu toàn diện, từ chế độ dinh dưỡng nuôi dưỡng tóc từ bên trong đến bảo vệ tóc và da đầu khỏi các tác nhân gây hại bên ngoài để tóc chắc khỏe, dày dặn và óng ả.
Theo Sức khỏe và Đời sống