Các xã thuộc diện sáp nhập đăng ký về đích nông thôn mới năm nay đang lúng túng trong thực hiện những tiêu chí cơ sở vật chất.
Xã Phượng Hoàng (Thanh Hà) vừa làm vừa nghe ngóng để không ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng nông thôn mới
Vừa làm, vừa nghe
Năm 2019, huyện Thanh Hà có 2 xã đăng ký hoàn thành NTM là Phượng Hoàng và An Lương. Khi 2 địa phương đang dồn sức cho các tiêu chí khó còn lại thì có phương án sáp nhập. Ông Nguyễn Danh Phưởng, Chủ tịch UBND xã Phượng Hoàng cho biết: Sáp nhập là chủ trương đúng nhằm tinh gọn và nâng cao năng lực quản lý, điều hành bộ máy hành chính cơ sở song cũng khiến địa phương lo ngại khi sắp cán đích NTM. Hiện xã còn thiếu 2 tiêu chí là cơ sở vật chất trường học và sân vận động trung tâm. Để thực hiện 2 tiêu chí này, Phượng Hoàng cần thêm 25 tỷ đồng. Xã cũng đã bố trí được nguồn vốn để xây dựng các công trình trên từ việc xử lý đất dôi dư, xen kẹp, chuyển mục đích sử dụng đất và đấu thầu đất công điền. Nhưng nếu sáp nhập với xã An Lương buộc địa phương phải cân nhắc để tránh lãng phí.
Cả 2 xã Phượng Hoàng và An Lương đều đang vào giai đoạn nước rút về đích NTM. Nhưng nếu thực hiện theo đúng bộ tiêu chí NTM thì sau khi sáp nhập sẽ thừa một số công trình như nhà hiệu bộ trường học, nhà văn hóa trung tâm, sân vận động trung tâm và trụ sở làm việc. Hiện Phượng Hoàng đã có nhà văn hóa trung tâm khang trang còn An Lương chưa xây dựng. "Sau sáp nhập, chúng tôi cũng chỉ cần 1 nhà văn hóa. Nếu có thể, nguồn vốn để xây nhà văn hóa của An Lương sẽ sử dụng vào mục đích khác cần thiết hơn. Song đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nên 2 xã vẫn vừa làm vừa nghe ngóng để không ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng NTM và tránh gây tốn kém", ông Phưởng nói thêm.
Xã Tuấn Hưng (Kim Thành) đã đạt 18 tiêu chí NTM. Địa phương chỉ còn tiêu chí cơ sở vật chất trường học là sẽ cán đích NTM đúng thời hạn. Theo ông Lê Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã, thời gian tới, Tuấn Hưng sẽ sáp nhập với xã Việt Hưng. Xã chỉ cần xây thêm nhà hiệu bộ và công trình phụ trợ cho trường THCS với tổng kinh phí 10 tỷ đồng là sẽ hoàn thành mục tiêu NTM. Thế nhưng, khi sáp nhập thì sẽ có 1 nhà hiệu bộ không sử dụng đến vì cả 2nơi đều có. "Chúng tôi đang rất lúng túng khi chưa có quy định về xây dựng NTM cho các xã sáp nhập. Việc huy động vốn rất khó khăn, nếu đầu tư cho những công trình không phát huy được công năng về sau thì vừa lãng phí, vừa không được nhân dân ủng hộ", ông Tuyên nêu quan điểm.
Cân nhắc thực hiện
Thực hiện tiêu chí trường học là phương án ưu tiên của các xã sáp nhập đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019
Trong số các xã thực hiện sáp nhập thì có 7 địa phương đăng ký về đích NTM năm 2019 gồm Tuấn Hưng, Kim Khê, Cẩm La (Kim Thành); An Lương, Phượng Hoàng (Thanh Hà); Ứng Hòe, Quang Hưng (Ninh Giang) đang gặp khó. Riêng các xã sáp nhập ở các huyện Thanh Miện, Nam Sách, Bình Giang, Gia Lộc và TPHải Dương bắt buộc phải đạt chuẩn NTM để về đích huyện NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ NTM. Các xã chủ yếu còn thiếu tiêu chí về cơ sở vật chất đang loay hoay thực hiện vì chưa có cơ chế đặc thù.
Để khắc phục bất cập khi chưa có quy định cụ thể về xây dựng NTM cho các xã sáp nhập, Ứng Hòe (Ninh Giang) chú trọng thực hiện các công trình cấp thiết. Đến nay, địa phương còn 3 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí về cơ sở vật chất trường học và văn hóa. Với tình hình hiện tại, xã chủ động xây dựng trường mầm non trước để phục vụ nhu cầu dạy và học. Còn nhà văn hóa trung tâm sẽ chờ hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền. Ông Vũ Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Ứng Hòe khẳng định: "Đây là phương án khả thi, phù hợp với điều kiện nguồn lực của địa phương cũng như tình hình chung của các xã sáp nhập. Chúng tôi mong muốn cấp trên sớm ban hành cơ chế để có thể khẩn trương hoàn thành các tiêu chí NTM".
Theo ông Trần Duy Chinh, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, trước những vướng mắc trong quá trình xây dựng NTM ở các xã sáp nhập, tỉnh đã có văn bản đề nghị Trung ương cho cơ chế đặc thù; xem xét việc mượn tiêu chí giữa 2 xã sáp nhập để bảo đảm điều kiện hoàn thành NTM, tránh lãng phí không cần thiết. Thế nhưng đến nay, Trung ương vẫn chưa có phản hồi. Vì vậy, tỉnh đã yêu cầu các địa phương sáp nhập cân nhắc thực hiện các tiêu chí cơ sở vật chất theo thứ tự ưu tiên.
DŨNG CƯỜNG