Các vụ FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát rúng động giới đầu tư

27/10/2022 12:02

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng các vụ án liên quan đến các tập đoàn lớn đã tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng các vụ FLC, Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát tác động xấu cho đầu tư tư nhân ngay cả khi đã có Nghị định 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ

Sáng 27.10, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải Dương bên lề kỳ họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương bày tỏ bức xúc với các vụ FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. Đại biểu cho rằng đây là các sự kiện gây rúng động giới đầu tư, tài chính và tác động cực xấu đến môi trường đầu tư.

​​​Theo báo cáo của Chính phủ, 9 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 8,83%, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 9,63%, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) tăng 2,73%. Theo đại biểu, Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô tương đối tốt trong 9 tháng đầu năm và có sức chống chịu tốt trước lạm phát nhờ vào 4 trụ cột, bao gồm: tăng xuất khẩu; tăng thu ngân sách; tăng quy mô thị trường nội địa; sự phục hồi nhanh của doanh nghiệp sau đại dịch, nhất là khu vực FDI. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn băn khoăn về động lực tăng trưởng và lãi suất, sự ổn định của tỷ giá.

"Về động lực tăng trưởng, tôi nhận thấy từ giữa tháng 10.2022, sức chống chịu của kinh tế nước ta có dấu hiệu yếu dần, động lực tăng trưởng sẽ gặp nhiều rào cản. Điều này thể hiện rõ qua 3 trụ cột chính của động lực tăng trưởng về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều vướng", đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhận định.

Cụ thể, về trụ cột đầu tư, đại biểu cho rằng việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt kế hoạch, vốn tín dụng cho doanh nghiệp trong nước đang gặp khó vì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% đến cuối năm. Điều chỉnh lãi suất điều hành làm gia tăng áp lực thanh khoản khiến các ngân hàng thương mại lao vào cuộc đua tăng lãi suất. Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài dù có vốn thực hiện tăng nhưng vốn đăng ký mới bị chững lại. Lý giải việc này có thể do nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang e dè rót vốn vào Việt Nam.

Bức tranh ảm đạm của thị trường chứng khoán, niềm tin của thị trường đang giảm sút mạnh và chưa có điểm dừng cũng là nguyên nhân khiến việc huy động vốn qua kênh cổ phiếu của doanh nghiệp đã khó chồng khó, thị trường bất động sản có nguy cơ đóng băng vì mất thanh khoản và thiếu dòng vốn mới. Các vụ FLC, Tân Hoàng Minh hay Vạn Thịnh Phát làm đầu tư tư nhân bị tác động xấu ngay cả khi đã có Nghị định 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhận thấy tâm lý bất an hiện đang tràn ngập giới đầu tư, doanh nghiệp dễ rơi vào khu vực nguy hiểm.

Về trụ cột xuất khẩu và tiêu dùng, đại biểu cho rằng lạm phát cao kỷ lục đã buộc các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu suy giảm. Ở Việt Nam, tình trạng thiếu đơn hàng đã và đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực. 9 tháng đầu năm, tiêu dùng trong nước có dấu hiệu khởi sắc và khả quan do tâm lý mua hàng sau giai đoạn thiếu thốn vì dịch Covid-19 nhưng hiện nay đã bão hòa, dần trở lại bình thường, thậm chí có phần chậm lại.

Liên quan đến lãi suất và sự ổn định của tỷ giá, đồng tiền của Việt Nam đã mất giá khoảng 10% so với đồng đô la Mỹ (tính từ đầu năm đến nay). Với một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đã chịu tác động mạnh mẽ từ các cú sốc chính sách từ bên ngoài. Việc NHNN phải bán ra lượng lớn USD khiến dự trữ ngoại hối giảm đáng kể. Bên cạnh đó, để kiềm chế lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng đô la Mỹ và điều hành chính sách theo hướng tăng lãi suất.

"Do đó, tôi nhận thấy khả năng cam kết về tỷ giá của NHNN khá mong manh. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất càng khiến cho doanh nghiệp vốn dĩ phụ thuộc nhiều vào vốn tín dụng đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Đề nghị NHNN cân nhắc, đánh giá kỹ hơn tác động của việc neo tỷ giá đồng Việt Nam so với đồng đô la Mỹ trước bối cảnh hiện nay, linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá, áp dụng các công cụ lãi suất và bán can thiệp dự trữ ngoại hối", đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị.

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các vụ FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát rúng động giới đầu tư