Các trường đào tạo giáo viên gặp khó với quy định tuyển sinh mới?

05/04/2018 10:58

Những quy định mới về tiêu chuẩn đầu vào đối với thí sinh ngành sư phạm đang khiến nhiều trường đào tạo giáo viên thuộc tốp dưới lo sẽ khó tuyển đủ chỉ tiêu.

Nhiều năm nay, các chuyên ngành sư phạm của Trường Cao đẳng Hải Dương khó tuyển sinh

Năm 2017, điểm hoặc điều kiện xét tuyển vào nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên (ĐTGV) thấp khiến dư luận không khỏi bức xúc, lo lắng về chất lượng đội ngũ giáo viên sau này. Vì thế, năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn đầu vào đối với thí sinh ngành sư phạm. 

Trường tốp dưới... hụt hơi

Theo quy định, các trường ĐTGV được tuyển sinh theo 2 hình thức: kết quả học tập THPT hoặc kết quả thi THPT quốc gia. Trong đó ngưỡng bảo đảm chất lượng bằng kết quả học tập THPT gồm: đối với trình độ đại học chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại giỏi (riêng các ngành sư phạm: âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất chỉ cần tốt nghiệp THPT và có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên). Đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên (riêng các ngành sư phạm: âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên). Còn thí sinh xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đưa ra mức điểm đầu vào cao để bảo đảm chất lượng.

Những trường ĐTGV ở tốp đầu như các Trường Đại học: Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Vinh... chắc sẽ không bị các quy định trên "làm khó". Nhưng với nhiều trường tốp dưới, nhất là nhóm trường cao đẳng sẽ gặp rất nhiều khó khăn để vừa tuyển đủ chỉ tiêu, vừa bảo đảm đúng theo quy định.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh duy nhất chỉ có Trường Cao đẳng Hải Dương ĐTGV. Nhiều năm qua, công tác tuyển sinh của trường gặp khá nhiều khó khăn. Mặc dù điều kiện đầu vào tương đối nhẹ, có năm chỉ lấy trên dưới 10 điểm nhưng không ít chuyên ngành vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Năm 2017, Trường Cao đẳng Hải Dương có 1.180 chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm. Trong đó 60% tuyển theo kết quả học THPT, còn lại theo điểm thi THPT quốc gia.

Nhiều năm nay, học sinh giỏi ít chọn vào ngành sư phạm

Nhiều nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân khiến các trường ĐTGV gặp khó trong tuyển sinh. Theo bà Nguyễn Thị Duyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Hà thì vị trí việc làm cho giáo viên ở các cơ sở giáo dục ngày càng ít, sinh viên ra trường phải chật vật tìm việc. Chế độ đãi ngộ với nghề giáo chưa tương xứng và chưa bảo đảm được cuộc sống, nhất là giáo viên mới ra trường. 

Ngoài ra, học sinh hiện nay đa số năng động, tính độc lập cao, thích cái mới, thích được thể hiện mình nên nhiều em không muốn theo ngành sư phạm vì môi trường làm việc, cuộc sống trầm, đều đều, ít đột phá. Em Hoàng Minh Ngọc, lớp 12A, Trường THPT Thanh Hà chia sẻ: "Em không thích học sư phạm vì học xong tìm việc rất khó. Em có mẹ và mấy bác làm giáo viên nên cũng phần nào hiểu về nghề này, một nghề rất trầm lặng. Trong khi em lại thích ở nơi có môi trường làm việc sôi động". Một vài năm gần đây, số học sinh của Trường THPT Thanh Hà đăng ký vào ngành sư phạm ngày càng ít. Hầu hết học sinh giỏi chọn vào các ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ. Năm 2017, trường chỉ có 15 trong tổng số 430 học sinh lớp 12 đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm, trong đó có 3 em đỗ. 

Để có đầu vào chất lượng và bảo đảm chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian qua, các trường ĐTGV tích cực tuyên truyền, quảng bá đến học sinh và phụ huynh học sinh. Nhiều trường đưa ra những chế độ đãi ngộ riêng để thu hút học sinh như hỗ trợ học bổng, trợ cấp, tìm kiếm việc làm. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào sự thay đổi, nỗ lực của các nhà trường sẽ không đủ để thu hút được học sinh có chất lượng vào ngành sư phạm. Quan trọng nhất là phải có giải pháp và chiến lược chăm lo cho chất lượng cuộc sống của giáo viên như tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Ngành giáo dục cần giải quyết tốt "bài toán" việc làm và có kế hoạch phát triển giáo dục phù hợp, có hiệu quả. Các địa phương, nhà trường cần nghiên cứu giải pháp để từng bước tăng thu nhập chính đáng cho giáo viên, giúp họ yên tâm công tác, tâm huyết, gắn bó với nghề...

DANH TRUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các trường đào tạo giáo viên gặp khó với quy định tuyển sinh mới?