Các tôn giáo đồng hành cùng phát triển

21/05/2019 18:57

Bằng những việc làm thiết thực, các tôn giáo đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển của tỉnh.

Câu lạc bộ Thiện nhân tâm (chùa Cương Xá, TP Hải Dương) duy trì phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ nhiều năm nay

Vì cộng đồng

Tất cả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở tỉnh ta trong những năm qua đều có sự tham gia tích cực, trách nhiệm và hiệu quả của các tôn giáo. Nổi bật là các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện, vì an sinh xã hội...

Đã 5 năm nay, cứ vào sáng thứ 4 hằng tuần, sư thầy Thích Diệu Ngân, trụ trì chùa Linh Sơn Vạn Phúc ở phường Hải Tân (TPHải Dương) lại cùng với các phật tử tổ chức nấu hơn 1.000 suất cháo chay dinh dưỡng phát miễn phí cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại 3 Bệnh viện: Y học cổ truyền, Tâm thần Hải Dương, Quân y 7. Đến nay, thầy Ngân đã vận động hỗ trợ xây 4 nhà "đại đoàn kết" cho người gặp khó khăn về nhà ở. Mỗi năm, sư thầy vận động tặng hàng nghìn suất quà cho trẻ khuyết tật, người nghèo... nhân dịp lễ Phật đản, Tết Nguyên đán. Đặc biệt, thầy Ngân còn nuôi 11 trẻ em mồ côi tại chùa. "Tôi chỉ mong mọi người vơi bớt khó khăn, được sống an vui. Tất cả những việc tôi làm đều bắt nguồn từ tinh thần Phật giáo chân chính", thầy Ngân nói.

Các phong trào, cuộc vận động do Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh phát động như: xây dựng Quỹ "Vì người nghèo", ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, xuân ấm tình người, đền ơn đáp nghĩa, xây nhà "đại đoàn kết", tặng quà cho người nghèo, hiến máu tình nguyện... đều nhận được sự tham gia nhiệt tình của các tăng ni, phật tử. Nhiều sư trụ trì còn vận động tín đồ, phật tử và nhân dân tham gia quyên góp sách vở, quần áo, lương thực... ủng hộ đồng bào vùng cao. Bà Nguyễn Thị Thanh Hường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tứ Kỳ cho biết: "Chúng tôi phát động phong trào gì là sư trụ trì các chùa trên địa bàn đều tham gia rất trách nhiệm. Tại lễ phát động Tháng Nhân đạo năm nay, toàn huyện vận động quyên góp được trên 70triệu đồng, riêng các thầy đã ủng hộ 20 triệu đồng".

Giống như đạo Phật, các chức sắc, chức việc, đồng bào công giáo cũng rất nhiệt tình hưởng ứng tham gia các hoạt động vì an sinh xã hội. Linh mục chính xứ Hải Dương Dương Hữu Tình năm nào cũng dành trên 100 triệu đồng tham gia ủng hộ chương trình "Xuân ấm tình người", tặng quà Tết, xe lăn... cho người nghèo, bệnh nhân phong. Linh mục còn phối hợp với Giáo hội Phật giáo tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà "đại đoàn kết" cho hộ nghèo trong tỉnh.

Không chỉ trực tiếp tham gia, các chức sắc công giáo còn vận động bà con giáo dân và người dân tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng. Giáo dân thôn Trung Nghĩa, xã Cao An (Cẩm Giàng) cùng Hội đồng giáo xứ Cao An đã quyên góp tặng 27 xe lăn, 4 tấn gạo cho người khuyết tật tại Bệnh viện Phong (Chí Linh); quyên góp ủng hộ 50 triệu đồng cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt...

Góp sức xây dựng quê hương

Các tôn giáo trong tỉnh thường xuyên vận động, tuyên truyền tín đồ, phật tử và nhân dân sống tốt đời, đẹp đạo, hăng hái tham gia xây dựng quê hương bằng việc hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", xây dựng làng, khu dân cư, gia đình văn hóa, bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống văn minh.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, giáo xứ Đại Lộ, thôn Đông Lâm ở xã Văn Tố và thôn Ngọc Lý ở xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) đã vận động bà con giáo dân ủng hộ trên 2 tỷ đồng, hiến trên 1 ha đất, góp hơn 1.000 ngày công lao động làm đường giao thông. Giáo dân họ đạo các thôn Quàn (xã Bình Xuyên), Phú Thứ (xã Cổ Bì), Vạc (xã Thái Học, cùng huyện Bình Giang) hiến trên 10.000 m2 đất làm đường ra đồng và đường liên thôn... 

Trước đây, người dân xã Tân Hưng (TP Hải Dương) khi đến chùa Cự Linh thường đốt vàng mã. Sư thầy Thích Tuệ Hải khi về trụ trì chùa đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nên hiện nay tình trạng đốt vàng mã trong chùa không còn. Nhiều gia đình khi có đám đã thực hiện nếp sống văn minh, không đốt tiền vàng. Sư thầy thường xuyên mời các giảng sư, giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành về thuyết giảng, hướng người dân địa phương sống tốt, biết làm chủ bản thân, hướng thiện và giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống...

Việc tuyên truyền, vận động bà con giáo dân xây dựng gia đình thuận hòa, vun đắp tình làng, nghĩa xóm được các giáo xứ, họ đạo trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhiều gia đình công giáo trở thành lực lượng nòng cốt tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hằng năm, toàn tỉnh có từ 85 - 96% số gia đình công giáo được công nhận là gia đình văn hóa. Nhiều khu dân cư có đông giáo dân đã phát động phong trào xây dựng giáo xứ, họ đạo, khu dân cư giáo dân an toàn, không có tội phạm, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông. 

Các tôn giáo còn tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Không ít tăng ni, chức sắc tôn giáo là đại biểu HĐND, tham gia Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Không ít người có uy tín được nhân dân tín nhiệm giữ những vị trí chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền ở địa phương, cơ sở...   

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các tôn giáo đồng hành cùng phát triển