Cẩm tú cầu, phi yến, chuỗi ngọc, thủy tiên hay đỗ quyên là những loại hoa đẹp nhưng độc, không nên bày vào ngày Tết, tránh ảnh hưởng sức khỏe.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh - cơ sở 3, cho biết số cây cảnh trên đẹp, bắt mắt nhưng rất độc, nên cẩn trọng khi đặt trong nhà vào dịp Tết.
Hoa cẩm tú cầu
Hoa cẩm tú cầu (còn gọi Hortensia), nguồn gốc từ Nhật Bản, được trồng rộng rãi ở Việt Nam, nhất là tại thành phố Đà Lạt, nơi có khí hậu mát mẻ. Cây cẩm tú cầu cao 1-3 m, cành lá xanh tươi xum xuê, thích hợp với nhiệt độ 20-25 độ C, không cần chăm bón nhiều.
Hoa của cây này thường mọc thành các cụm to, chừng hơn bàn tay người, một bông tròn tập hợp của nhiều bông nhỏ liti, mang vẻ đẹp kiêu sa. Khi nở rộ, hoa mang nhiều màu sắc như hồng, trắng, tím, đỏ, xanh nhạt, mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu.
Loài hoa này đẹp nhưng cực độc, có thể gây hại sức khỏe. Lá và củ của cây cẩm tú có chứa chất hydragin-cyanogenic glycoside, nếu ăn phải lập tức bị ngứa ngáy, nôn ói, đổ mồ hôi và đau bụng dữ dội. Trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn tới hôn mê, co giật, rối loạn tuần hoàn máu, tử vong.
Do cây có tính độc, bác sĩ khuyên mọi người không trồng hoặc cắm trang trí trong nhà, tránh trường hợp trẻ nhỏ, vật nuôi ăn phải có thể bị ngộ độc, nhất là các em có bản tính tò mò, thích khám phá. Khi nghi ngờ ngộ độc do cẩm tú cầu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Cây chuỗi ngọc
Cây chuỗi ngọc có hoa tím rất đẹp và cũng là loại cây cảnh phổ biến, nhiều người mua về trưng bày Tết. Nếu trẻ ăn những bộ phận của cây có thể gây buồn nôn hoặc nôn, buồn ngủ, co giật, tim đập nhanh, sốt; một số trường hợp có thể tử vong.
Hoa phi yến
Hoa phi yến được nhiều người miền Bắc mua trồng hoặc cắm trong nhà vào mùa xuân, chứa các alkaloid diterpenois, bao gồm cả methyllycaconitine - độc tính rất cao. Ở một số nước như Ấn Độ, người dân sử dụng hạt cây phi yến làm thuốc diệt côn trùng. Alkaloid delphinine trong hoa phi yến gây ra nôn mửa (nếu ăn một lượng nhỏ), hoặc có thể dẫn đến tử vong nếu ăn nhầm số lượng lớn.
Hoa phi yến cũng như các bộ phận của nó đều độc, trong đó phần độc hại nhất là chồi mọc vào mùa xuân. Cây trở nên ít độc hơn khi chúng trưởng thành vào thời gian tiếp theo. Lượng 2 mg chất alkaloid là có thể khiến một người lớn tử vong. Trẻ em có thể bị viêm da nghiêm trọng khi chạm vào hoa, hoặc phản ứng ngộ độc nếu ăn.
Chó, mèo cũng có thể bị ngộ độc rất nhanh khi ăn phải các bộ phận của phi yến. Dấu hiệu là nôn, tiêu chảy, rát môi, họng, yếu cơ, mạch chậm, suy hô hấp, co giật.
Hoa thủy tiên
Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Quang Hải, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, người đã có nhiều năm nghiên cứu về dược học của các loại cây, cho biết hoa thủy tiên hay được bày trí trong nhà do khá đẹp, song lại chứa nhiều chất alkaloids rất độc. Khi ăn phải lượng lớn, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như chóng mặt, nôn mửa, lơ mơ hoặc co giật, tiêu chảy. Đặc biệt, rễ cây thủy tiên còn chứa khoảng 0,06% narcissin - là chất độc thay đổi theo độ tuổi của cây.
"Ăn chúng trước khi cây ra hoa thì bị giãn đồng tử, khô nước bọt, tim đập nhanh. Còn ăn sau khi cây ra hoa sẽ gây triệu chứng tiết nước bọt, toát mồ hôi, buồn nôn, tiêu chảy", bác sĩ Hải nói.
Hoa đỗ quyên
Tất cả bộ phận của cây đều có chất độc andromedotoxin và arbutin glucoside. Người bị ngộ độc do loại cây này thường có triệu chứng buồn nôn, chảy nước dãi, ói mửa, uể oải, chóng mặt, khó thở, mất cân bằng. Một lượng 100 đến 225 g lá đỗ quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho trẻ em.
Theo bác sĩ Vũ, một số loại cây cảnh khác cũng gây độc, không nên chưng Tết, song có thể cân nhắc theo điều kiện gia đình có trẻ nhỏ, thú nuôi hay không. Những loại cây này gồm:
Kim tiền
Trong thân và lá cây có chứa canxi oxalat, gây nóng rát, bỏng lưỡi, cổ họng nếu ăn phải. Nặng hơn sẽ gây sưng viêm, ngạt thở và xuất huyết dạ dày. Nhựa cây dính lên mắt ảnh hưởng xấu đến thị lực.
Vạn niên thanh
Tất cả bộ phận của cây vạn niên thanh đều có độc. Do đó phải cẩn thận khi va chạm, di chuyển hay chăm sóc loại cây cảnh này. Mủ gây ngứa và nếu văng vào mắt thì rất khó chịu; ăn phải sẽ bị tê môi, đỏ lưỡi, nói khó, ngứa họng, đau rát, nôn mửa... Nếu lỡ dính mủ cây môn trường sinh bị ngứa thì không nên gãi mà hơ nóng (ấm) vùng da bị dính sẽ khỏi. Nếu dính mủ vào miệng, mắt, nên súc miệng, rửa mắt bằng nước ấm, rồi dùng máy sấy tóc hơ ấm.
Đa số trường hợp bị ngộ độc là trẻ nhỏ hoặc thú nuôi. Những triệu chứng này thường nhẹ và có thể chữa trị bằng thuốc giảm đau, thuốc kháng histamine hay than hoạt tính.
Xương rồng ba cạnh
Cây xương rồng ba cạnh có độc, đặc biệt là nhựa trắng. Các nghiên cứu y học nhấn mạnh những người chưa có kinh nghiệm thì không nên dùng loại cây này, bởi chất nhựa có thể gây kích ứng, làm tổn hại lớp niêm mạc da (đối với trường hợp da mỏng, da bị trầy xước) và gây rát, phồng rộp, đỏ. Ngoài ra, nhựa cây có thể gây mù mắt.
Xương rồng bát tiên
Thân cây có nhựa mủ và gai chi chít, có thể đâm vào tay gây trầy xước. Đồng thời, nhựa mủ của cây gây bỏng rát tay khi tiếp xúc. Người trồng cần đeo bao tay kỹ lưỡng và rửa sạch nếu lỡ dính phải. Đặc biệt, gia đình có trẻ nhỏ nên tránh trồng cây này.
TB (theo VnExpress)