Hiện nay, việc phun xăm mắt, lông mày, môi là cách làm đẹp phổ biến. Tuy nhiên nếu đến làm đẹp tại các cơ sở không an toàn, các cơ sở mở "chui", hãy coi chừng rước họa vào thân.
Phun xăm ở cơ sở thiếu chuyên môn, nghiệp vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa
Phun, xăm thực chất là biện pháp dùng kim loại đưa một lượng chất tạo màu vào sâu dưới lớp thượng bì của da. Do dùng các mũi kim nhỏ đâm xuyên trực tiếp vào da nên phun, xăm môi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt nếu thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ thiếu chuyên môn, nghiệp vụ.
Các bệnh lý hay gặp khi phun xăm không an toàn
- Nhiễm trùng tại chỗ xăm: Sau khi xăm hình, da sẽ bị đỏ và sưng. Da của bạn có cảm giác rát và bạn có thể thấy dịch trong suốt chảy ra từ hình xăm. Bạn có thể thấy một hoặc những vấn đề sau: Đỏ da, các cơn đau kéo dài chỗ mới xăm, nổi mẩn ngứa, xuất hiện các vết loét trên hình xăm.
Thông thường, nếu sưng khoảng 2-3 ngày thì không cần phải lo lắng quá vì sẽ tự lành, nhưng nếu chỗ xăm vẫn sưng sau 5 - 6 ngày, thì cần đến bác sĩ để được tư vấn, điều trị.
- Bị dị ứng với mực xăm đặc biệt là với những khách hàng có cơ địa dị ứng, nhạy cảm. Nơi dễ bị dị ứng nhất là môi và mắt. Dị ứng khi phun, xăm môi thường biểu hiện bằng việc da bị viêm, sưng tấy, tróc kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý của người đi phun xăm.
Biểu hiện của dị ứng mực xăm như : đỏ, sưng, ngứa, xuất hiện nốt gồ lên trên bề mặt da, có thể thành từng mảng, da bị rộp nước, có rỉ dịch, đóng mài... Với loại mực xăm đen có chứa chất PPD thường gây ra hiện tượng phát ban ngay trong lúc xăm mình hoặc sau đó khoảng 3 tuần. Da bị đỏ, sưng, ngứa rất nhiều, có cảm giác đau, xuất hiện những nốt và mảng gồ trên da, da bị tróc vảy, rộp nước, có hiện tượng rỉ dịch, da mất màu, để lại sẹo…
- Lây các bệnh truyền nhiễm: Nếu không tiệt trùng đúng cách, vật dụng, máy móc dùng trong quá trình phun, xăm có thể là nguyên nhân lây truyền các bệnh nguy hiểm như giang mai, HIV, viêm gan B,C …Chưa kể các rủi ro có thể gặp phải như môi, mày không đều màu, viền môi bị lệch, màu xăm bị biến đổi không như màu mực gốc đã chọn trước đó…
Lời khuyên của bác sĩ
Để những hình xăm được như ý muốn, an toàn cho sức khỏe, bạn cần lưu ý:
Nên lựa chọn cơ sở làm đẹp có điều kiện vệ sinh an toàn, được cấp phép.
Tất cả các dụng cụ liên quan như chum đựng mực, kim, xuyên kim, bông gòn, đồ lót khay, thuốc tê, máy móc, dao lam phải được hấp sạch và tiệt trùng trước khi làm.
Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như bụi bẩn, lông thú, các loại hóa mỹ phẩm… để hạn chế tình trạng tổn thương da ngay vùng xăm.
Khi có các phản ứng sau phun xăm như ngứa, đỏ, sưng hay thậm chí khó thở, tức ngực, chóng mặt, đau bụng... thì cần đi khám ở chuyên khoa da liễu để được điều trị dứt điểm.
Sau khi xăm nên kiêng một số thứ mà cơ thể dị ứng.
Có thể sử dụng kem chống nắng và che chắn kỹ càng vị trí có hình xăm trên da khi trước khi ra nắng.
Đối với trường hợp bị dị ứng với mực xăm mức độ nhẹ chỉ gây mẩn ngứa, có thể sử dụng giải pháp cải thiện bằng cách chườm đá lên vùng da bị ngứa trong khoảng 15 phút.
Theo Sức khỏe và Đời sống