Chuyện xem bóng đá của nhà tôi cũng vui lắm. Đã từ nhiều năm nay như thành lệ, cứ mỗi mùa World Cup hay EURO, cả nhà lại tập trung xem.
Xem bóng đá đối với tôi như một nhu cầu tự nhiên từ lâu lắm rồi, xem mãi thành quen, xem đến mê, coi bóng đá như món ăn tinh thần, chẳng thế người ta nói bóng đá là một phần của cuộc sống thật đúng với tôi. Có lần xem một cầu thủ dẫn bóng từ giữa sân với tốc độ chóng mặt xộc thẳng vào khung thành sút tung lưới đối phương tôi sướng quá hô to “Vào...” và vỗ đùi đánh đét một cái làm cả nhà giật mình. Cứ thế trong bao nhiêu năm nay, xem bóng đá như một thú vui, cái thú vui cứ dần dần lây nhiễm sang từng người trong gia đình từ lúc nào không biết, lây sang trước tiên là bà xã nhà tôi, lan sang con, các cháu. Bà xã nhà tôi lúc đầu chưa hiểu, tôi phải giảng giải cứ như ông giáo lên lớp cho học trò một cách dễ biết nhất, như tổ chức một đội bóng có 11 cầu thủ, đầu tiên là thủ thành làm nhiệm vụ giữ gôn nhà không cho thủng lưới, để đối phương sút vào là thua. Tiếp đến đội hình còn 10 người đá bóng trên sân, giả dụ đá theo đội hình 4-4-2 thì gồm có 4 hậu vệ đứng thấp nhất gần với khung thành, 4 tiền vệ đứng giữa sân và 2 tiền đạo đứng cao nhất làm nhiệm vụ ghi bàn; khi vào trận thì lui tiến biến hóa vô cùng, chiến thuật luôn thay đổi theo bài của huấn luyện viên...
Chuyện về bóng đá thì phong phú vô cùng, trong các môn thể thao không có loại hình nào lại hay, hấp dẫn đến mê hoặc người xem như bóng đá, vì thế mà thế giới người ta đã tôn vinh là môn thể thao vua, môn thể thao đã sản sinh ra rất nhiều tài năng như vua bóng đá Pele của Brazil thành danh từ khi mới 17 tuổi, Maradona của Argentina còn được gọi là “cậu bé vàng”, rồi Franz Beckenbauer của Đức, Michel Platini của Pháp, Ruud Gullit của Hà Lan và nhiều ngôi sao lừng danh khác.
Chuyện xem bóng đá của nhà tôi cũng vui lắm. Đã từ nhiều năm nay như thành lệ, cứ mỗi mùa World Cup hay EURO, cả nhà lại tập trung xem. Việc tổ chức xem, cách xem hợp lý, giữ được sức khỏe cũng như mọi công việc sinh hoạt không bị ảnh hưởng nên ai cũng hào hứng. Trận khai mạc và trận chung kết của mùa giải, cả nhà đều tập trung, ăn tươi, tối sàn nhà được lau dọn sạch sẽ, thế là cả ông, bà, con cháu nằm ngủ la liệt, còn nhắc nhau để đồng hồ báo thức đúng giờ phải dậy xem, mấy đứa cháu nhỏ mắt nhắm mắt mở nhưng cũng rất phấn khích. Ông bà ra điều kiện ai mà đoán đúng tỷ số thua thắng sẽ được thưởng, con cháu hỏi thưởng gì thì bà bảo còn bí mật, thế là cả nhà cùng cười.
Mà EURO năm nay có nhiều nét đặc biệt, những mùa trước chỉ có 16 đội lần này nâng lên thành 24 đội. Lúc đầu dư luận cho là nhiều đội quá sẽ nhàm chán, nhất là những đội không có tên tuổi gì, thậm chí thành tích thì kém cỏi như Albania, xứ Wales, Iceland chẳng hạn. Qua thực tế thì không phải vậy, theo dõi từ đầu giải đến giờ thì trận đấu nào cũng hay, cầu trường rực rỡ cờ hoa, khán giả đông chật kín chỗ. Điều thú vị và bất ngờ làm thế giới phải kinh ngạc khi đội bóng xứ Wales nhỏ bé đã lọt vào tận vòng bán kết hay hơn Iceland, đất nước chỉ hơn 300.000 dân đã đánh bại đội tuyển Anh sừng sỏ dày dặn kinh nghiệm và có bề dày thành tích, mệnh danh là “những chú sư tử”. Điều đó chứng tỏ rằng bóng đá nay không còn là của những nước lớn, những đội bóng nhiều tiền bạc hay những ngôi sao đắt giá nữa. Bóng đá đang kêu gọi, đang lên tiếng và đòi hỏi đã đến lúc phải có một tư duy mới, có cái nhìn thực tế và đúng đắn hơn về bản năng con người trong bóng đá.
Đúng 2 giờ sáng 11-7-2016, trận chung kết sẽ diễn ra, cả nhà tôi đã sẵn sàng, thống nhất với nhau lại tập trung ăn ngủ cùng bóng đá, cùng được thỏa mãn niềm đam mê. Mấy hôm nay đã thấy bà cháu mua sắm nào bánh, trái cây, nước ngọt, con dâu chuẩn bị nấu một nồi chè bí ngô, con gái mua lạc củ để luộc, tất cả cho trận chung kết, cả nhà sẽ rất vui và hạnh phúc bên nhau...
NGUYỄN ĐÌNH