Ở tuổi 75, nghệ sĩ Phạm Ngọc Thái vẫn say sưa kể về những vở diễn của ông cách đây hơn nửa thế kỷ.
Cả cuộc đời nghệ sĩ Phạm Ngọc Thái gắn bó với nghệ thuật múa
Say nghề “rớm máu”
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Thái sinh năm 1942 tại thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang). Ông bén duyên với nghệ thuật múa từ năm 12 tuổi. Nghệ sĩ Thái cho biết: “Số 12 rất đặc biệt với tôi. Năm 12 tuổi, tôi bắt đầu tập múa. Con gái tôi học múa ở tuổi này. 12 tuổi, cháu gái tôi cũng bắt đầu có những thành công đầu tiên”.
Ông Thái nhớ lại ngày còn là một cậu bé thôn quê ham chơi, tinh nghịch. Ông cùng mấy người bạn trong thôn rủ nhau trốn nhà, đạp xe lên Hà Nội thi tuyển vào Trường Múa Việt Nam. Năm đó, ông là thí sinh Hải Dương duy nhất trúng tuyển. Tin mừng này mãi sau ông mới báo cho cả nhà biết. Niềm vui đến bất ngờ kèm theo đó là nỗi lo về kinh tế, tiền ăn học. Mẹ ông lại băn khoăn con trai thấp bé như vậy liệu có học nổi không. Ông đã hứa với mẹ sẽ cố gắng, rồi cả nhà chấp thuận, ủng hộ ông theo nghề múa.
“Vũ điệu hòa quyện cảm xúc, âm thanh, ánh sáng. Trang phục biểu diễn lộng lẫy, hay những tràng pháo tay, lời tán dương của khán giả chưa đủ để nói về múa. Đây là nghề phải đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu”, nghệ sĩ Thái chia sẻ. Ông từng luyện tập đến mức các ngón chân rỉ máu thấm ra đôi giày. Ông bảo khi 10 đầu ngón chân hết rớm máu là giai đoạn trưởng thành của người học múa.
Sau khi tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam, ông xung phong lên Tây Bắc công tác và tham gia đoàn văn công Nghĩa Lộ từ năm 1965. Đây là giai đoạn chiến tranh ác liệt, gian khổ. Thời gian này, ông đã tham gia biểu diễn hơn 300 tác phẩm múa, nhận đào tạo diễn viên múa tại chỗ và làm công tác biên đạo. Những bữa ăn bo bo thay cơm, những đêm biểu diễn trong hầm, dưới ánh sáng leo lét của đèn măng-xông là ký ức ông không bao giờ quên.
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Thái gắn bó với nghệ thuật múa đã 63năm. Từ diễn viên trở thành biên đạo, ông đã gặt hái được nhiều thành công. Những tấm huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến của người nghệ sĩ đối với môn nghệ thuật này.
Trách nhiệm với khán giả
Năm 1976, ông về địa phương công tác, là biên đạo của Đoàn ca múa quần chúng Hải Hưng. Trong thời gian giữ chức Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hải Dương, ông có nhiều đóng góp cho hoạt động đào tạo nghệ thuật múa của tỉnh nhà. Các thế hệ học trò của ông đã trưởng thành, nhiều người trở thành diễn viên múa chuyên nghiệp.
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Thái tâm sự: “Tôi làm nghệ thuật nhiều năm rồi, đáng ra phải bình thản trước những vở diễn. Nhưng đêm nào diễn tiết mục mình biên đạo là cả ngày hôm đó tôi lo lắng. Chỉ khi nào tiết mục hoàn thành, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”. Nghệ sĩ cũng không lý giải được tại sao bản thân lại như vậy. Ông cho rằng khán giả đã cất công tới xem tiết mục của ông thì ông không thể phụ công họ. Trách nhiệm với nghề, với khán giả là điều ông luôn tâm niệm và gìn giữ.
Nghệ sĩ Thái may mắn được 5 lần gặp Bác Hồ, 2 lần ở Trường Múa Việt Nam và 3 lần khác khi ông đi biểu diễn. Những lần được gặp Người đều để lại những dấu ấn đặc biệt trong ông. Trong phòng khách của gia đình ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương), ông Thái dành chỗ trang trọng nhất để treo ảnh Bác và dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Ông vẫn nhớ lời dặn của Người với lớp múa của ông rằng trước khi làm người múa tốt hãy làm người tốt đã. Tấm lòng và nhân cách của Bác trở thành nguồn cảm hứng sáng tác trong ông. Trong hơn 200 tác phẩm múa độc lập và múa sử thi mà ông dàn dựng, một nửa là những đề tài liên quan tới Bác Hồ.
Ở tuổi 75, ông vẫn chưa dừng hoạt động nghệ thuật. Năm 2016, ông dựng 3 sử thi: Bác Hồ về thăm Côn Sơn, Bác Hồ về thăm Hải Dương, Bài ca Long Xuyên. Ngoài biên đạo múa, ông có thể sáng tác được ca trù, chầu văn… Nghệ sĩ Phạm Ngọc Thái cho rằng: “Nghệ thuật thành công là nghệ thuật khiến quần chúng cảm nhận được cái hay của tác phẩm, thể hiện nó làm sao thật đơn giản, dễ hiểu và dễ nhớ”.
HÀ NGA