Dựa vào nền tảng nguyên tắc của công tác xây dựng Đảng, với tư duy lý luận đột phá, đổi mới, sáng tạo của Đảng về công tác cán bộ - “then chốt của then chốt”; tất cả các khâu và các quy trình của công tác cán bộ đều được đổi mới.
Nghị quyết Đại hội XIII yêu cầu phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ
Công tác cán bộ được quan tâm một cách xứng tầm, thực sự là công việc “then chốt của then chốt”. Điều này giúp cho các cấp ủy nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo để phát huy tốt hơn vai trò của mình trong nhiệm kỳ mới, xứng đáng hơn với niềm tin và kỳ vọng của nhân dân.
Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Để Nghị quyết của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống, việc nhận thức, quán triệt các quan điểm, tư duy lý luận của Đảng trong hệ thống các văn kiện và chỉ đạo tổ chức thực hiện là vấn đề vô cùng quan trọng đối với các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên.
Bằng cơ sở lý luận khoa học, thực tiễn vững chắc, với “tất cả sự khiêm tốn của người cộng sản”, có thể khẳng định rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thật vậy, những thành tựu của đất nước những năm qua là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Tất yếu khẳng định rằng, tư duy lý luận đột phá, đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Bài viết này đề cập vấn đề xây dựng Đảng về cán bộ, “then chốt của then chốt” - một trong những bước đột phá tư duy lý luận của Đảng tại Đại hội XIII.
Đột phá về tách nội hàm cán bộ
Không phải ngẫu nhiên, Đại hội XIII quyết định tách nội hàm cán bộ từ xây dựng Đảng về tổ chức, mà xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, có chất lượng, ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời, đây cũng là kết quả sự đúc kết từ những kinh nghiệm của công tác tổ chức xây dựng Đảng trong nhiều nhiệm kỳ, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả.
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của cán bộ và tầm quan trọng của công tác cán bộ “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”; suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, coi đây là khâu “then chốt của then chốt” - nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nhìn lại lịch sử của việc tách nội hàm trong công tác xây dựng Đảng, từ Đại hội III, Đảng ta đã xác định công tác xây dựng Đảng trên 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Và từ Đại hội III đến Đại hội XII bổ sung nội dung “xây dựng Đảng về đạo đức”. Khi xác định xây dựng Đảng trên ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, nội hàm về đạo đức đã nằm trong nội hàm tư tưởng. Trước thực tiễn một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống, Đại hội XII đã quyết định tách nội dung đạo đức trong xây dựng Đảng về tư tưởng thành một nội hàm riêng. Nên Đại hội XII xác định xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, thực tế cho thấy công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, nên ngày 19.5.2018 Trung ương ra Nghị quyết 26 - NQ/TW về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Đây chính là “chiến lược về cán bộ của thời kỳ phát triển mới”.
Theo đó, đến Đại hội XIII quyết định tách nội hàm cán bộ từ “xây dựng Đảng về tổ chức” ra riêng để tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giải quyết vấn đề cán bộ: “Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ - nội dung then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội XIII yêu cầu phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Đây là bước đột phá tư duy lý luận của Đảng trong nhìn nhận, cân nhắc vấn đề xây dựng Đảng với trọng tâm, trọng điểm là công tác cán bộ.
Đột phá về phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ
Tiếp tục thực hiện hai trọng tâm và năm đột phá xác định trong Nghị quyết 26 - NQ/TW, nhất là đột phá “Hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân và phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ”, Đại hội XIII khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”. Từ đó, Đảng yêu cầu, cán bộ phải tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; chăm lo đầy đủ và sâu sát đến đời sống, lợi ích của nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân; lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ tổ chức xây dựng Đảng năm 2018 |
Đó là bước đột phá trong tư duy lý luận của Đảng về phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Đúng vậy, công tác tổ chức xây dựng Đảng về cán bộ luôn là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp tới sự thành bại của cách mạng, sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Hơn nữa, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, hết sức tinh tế và nhạy cảm vì tác động đến tổ chức, con người, đòi hỏi những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng phải luôn nỗ lực, lao tâm khổ tứ, đau đáu, trăn trở, công tâm, trong sáng, giữ mình…, mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Bài học thực tiễn sâu sắc từ việc tổng kết nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác xây dựng Đảng nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, gặt hái được nhiều thành tựu; đặc biệt có những cách làm mới, sáng tạo, quyết liệt, từ Trung ương đến cơ sở, mọi vấn đề hệ trọng trong công tác cán bộ đều xuất phát từ nhân dân.
Với quan điểm chăm lo cán bộ phải từ gốc, ngay từ đội ngũ cán bộ cơ sở, những người hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc và trực tiếp giải quyết những công việc liên quan tới lợi ích sát sườn của nhân dân, Tỉnh ủy Quảng Ninh sáng tạo, phát động từ cuối nhiệm kỳ 2010 - 2015 và tổ chức thực hiện thành công ở nhiệm kỳ 2015 - 2020 với mô hình 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố trong toàn tỉnh, lựa chọn nhân sự theo phương thức: “Dân có tin rồi Đảng mới cử”. Cụ thể là, chọn những đảng viên được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, bản, khu phố trước, rồi sau đó giới thiệu cho chi bộ bầu làm bí thư chi bộ. Sự tin cậy và hài lòng của người dân chính là hàn thử biểu đo chất lượng cán bộ, dựa vào nhân dân để lựa chọn và xây dựng đội ngũ cán bộ; đồng thời, “lòng dân” được đặt ở vị trí trước tiên, thể hiện sự tôn trọng nhân dân, xem nhân dân ở vai trò chủ thể, trung tâm của mọi quyết sách phát triển…
Do vậy, đã hoàn thành mục tiêu 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, trên cơ sở thực hiện quy trình nhân sự “Dân tin - Đảng cử”. Đây là một giải pháp nhằm cụ thể hóa một cách sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, không chỉ tạo ra đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, ngày hội của toàn dân, mà quan trọng hơn chính là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở và thúc đẩy, làm tốt hơn nữa việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
Đột phá về “tinh hoa dẫn dắt” đất nước phát triển
Đảng ta chỉ rõ, “tinh hoa dẫn dắt” đất nước, dân tộc là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Cán bộ cấp chiến lược có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là những người chèo lái tuyến đầu con thuyền phát triển đất nước. Bởi vậy, trong Nghị quyết 26-NQ/TW, Trung ương đề ra chiến lược về cán bộ của thời kỳ phát triển mới, với những nội dung đặt ra về công tác cán bộ không chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn, mà trong một thời gian dài, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, với hàm ý chuẩn bị đội ngũ cán bộ chiến lược ngang tầm nhiệm vụ, đủ năng lực gánh vác trọng trách phát triển đất nước với những mục tiêu rất lớn được xác định ở cột mốc trọng đại năm 2030 (tròn 100 năm thành lập Đảng) và năm 2045 (tròn 100 năm thành lập nước). Từ đó, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”.
Việc xây dựng và quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được làm lần đầu từ khoá XI. Qua tổng kết, rút kinh nghiệm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục thực hiện một cách căn cơ, bài bản, chặt chẽ hơn. Khác với các nhiệm kỳ trước, để chuẩn bị nhân sự khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương làm công tác quy hoạch từ rất sớm.
Theo đó, công tác chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược được quan tâm ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao. Đồng thời tiến hành khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện theo phương châm làm từng bước, từng việc, từng khâu; làm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu, chắc đến đó.
Công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược gắn chặt với đào tạo, bồi dưỡng (Trung ương tổ chức 5 lớp cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII) và tiến hành luân chuyển (luân chuyển 27 bí thư tỉnh ủy không là người địa phương, tăng 11 người so với nhiệm kỳ trước) để rèn luyện. Có thể nói, sự khách quan, tư duy tầm chiến lược, mối quan hệ công tác với Trung ương của các nhân sự luân chuyển góp phần bổ khuyết tốt cho những mặt nào đó còn hạn chế của tập thể lãnh đạo các địa phương. Đồng thời, bản thân các cán bộ được luân chuyển cũng xác định đây là cơ hội để học tập, cọ xát, trui rèn qua thực tiễn để trưởng thành nên gắng sức, không quản gian khổ, “quăng mình” vào thực tiễn, công việc, giữ gìn chuẩn mực đạo đức, bước đầu đã có những đóng góp, cống hiến tốt, nên qua thời gian được đa số cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương ghi nhận, ủng hộ, phần nào giúp loại bỏ dần tư duy khép kín, cục bộ địa phương đã từng khá nặng nề.
Với tư duy đột phá “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”. Kết quả là, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được trẻ hóa, khi có tới 28 bí thư tỉnh ủy từ 50 tuổi trở xuống, tăng 15 người so với nhiệm kỳ trước.
Đây là thế hệ cán bộ được học tập, đào tạo bài bản, bắt nhập nhanh với thời cuộc, thích ứng nhanh với khoa học - công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tư duy sáng tạo, đổi mới, quyết đoán, dám làm, biết làm, đem đến làn gió mới, được kỳ vọng sẽ mang lại sự phát triển mới, đột phá cho các tỉnh, thành, đất nước trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Tuy nhiên, đây cũng là những cán bộ nắm giữ các chức vụ quan trọng, nếu xảy ra những sai phạm, hậu quả sẽ khôn lường cho tổ chức. Do đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược gắn chặt với việc kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức”, “chạy quyền”, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, đồng thời cũng cần có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, biết làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung…
Như vậy, dựa vào nền tảng nguyên tắc của công tác xây dựng Đảng, với tư duy lý luận đột phá, đổi mới, sáng tạo của Đảng về công tác cán bộ - “then chốt của then chốt”; tất cả các khâu và các quy trình của công tác cán bộ đều được đổi mới. Công tác cán bộ được quan tâm một cách xứng tầm, thực sự là công việc “then chốt của then chốt”. Điều này giúp cho các cấp ủy nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo để phát huy tốt hơn vai trò của mình trong nhiệm kỳ mới, xứng đáng hơn với niềm tin và kỳ vọng của nhân dân.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tổ chức xây dựng Đảng năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Càng ngày càng thấm thía cán bộ là cái gốc của công việc, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, do vậy cũng có thể nói nếu xây dựng Đảng là then chốt, thì công việc của ban tổ chức các cấp cũng là then chốt của then chốt. Nếu cái chốt này mà rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ, nếu chẳng may cái chốt này nó mọt, nó trục trặc, thì không biết tình hình sẽ thế nào. Tôi chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các đồng chí đang phải đối mặt, song Đảng và nhân dân tin tưởng vào bản lĩnh, ý chí, quyết tâm, sự nỗ lực, sự cố gắng vươn lên của từng cấp ủy các cấp, cùng cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng”.
Theo báo điện tử Đảng Cộng sản