Bữa cơm gia đình thời hội nhập

01/07/2014 14:35

Cuộc sống gấp gáp vội vã của công việc thời mở cửa hội nhập đã khiến cho bữa cơm của nhiều gia đình không còn trọn vẹn.



Đã thành thông lệ, một bữa cơm gia đình hiếm hoi, vợ chồng chị Minh người cắm cúi và cơm, người dán mắt vào màn hình ti-vi không ai nói với ai một lời. Không gian như đông cứng lại, thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng anh quát cậu con trai: “Ăn đi!”. Bàn ăn có một đĩa xào tim cật nghi ngút khói, bát canh cải với thịt băm viên và đĩa cà pháo muối xổi, một bữa đơn giản nhưng đầy sự chăm chút yêu thương như vậy. Thế mà trong bữa cơm ấy không có tiếng nói, tiếng cười của cả hai người. Anh chị vẫn sống với nhau như vậy đến chục năm nay. Chị quen với những bữa cơm gia đình ảm đạm ấy kể từ khi chị sinh con. Cũng nhiều năm, chị lặng lẽ quan sát cảnh ăn uống của những cặp vợ chồng gia đình khác trong bữa cơm của họ cũng đều mang một không khí buồn tẻ như gia đình chị. Trong bữa cơm, họ thưởng thức món ăn một cách vội vàng rồi mỗi người ai lại lao vào công việc của người ấy. Cái cảnh vợ chồng ngồi ăn “im như thóc” ấy đã thể hiện áp lực công việc của thời hội nhập, không còn có nhiều thời gian để họ nói chuyện với nhau về những câu chuyện tình cảm trong cuộc sống. Chính vì thế bữa cơm gia đình mất đi cái không khí đầm ấm gia đình sau một ngày lao động vất vả, cực nhọc. Đôi lúc chị thầm nghĩ: Không gia đình nào thoát khỏi quy luật của cuộc sống cơm áo gạo tiền, nên việc trao đổi, chuyện trò giữa vợ chồng trong bữa ăn cũng dần biến mất. Và chị không khỏi cảm thấy cô đơn trong bữa ăn gia đình khi mà chị đã nỗ lực hết mình phục vụ chồng con để có được một bữa cơm ngon mà không được đền đáp. Chị ngậm ngùi nhớ về bữa cơm tuổi thơ của mình. Trời mưa, cha đi làm đồng về, quần áo ướt sũng, mẹ cũng bị ướt thấm từ trong ra ngoài. Xoong cơm độn mì hôi mùi gạo mốc, bát canh nước luộc rau muống vắt chanh, đĩa rau muống luộc quá lửa đen thui và những quả cà pháo mẹ muối mặn chát. Mẹ kể, cụ hàng xóm nhà bên ra chợ đến từng người bán hàng trong chợ xin việc vặt làm để đổi lấy bát cơm nhưng chẳng ai mướn, thật là tội nghiệp. Nghe mẹ kể vậy, cha bảo cả nhà nhịn ăn mỗi người một ít cơm và ít thức ăn, bưng sang biếu cụ. Hai chị em vừa hóng chuyện người lớn, vừa lốp cốp nhai cà, hít hà hương thơm tỏa ra từ bát cơm nóng sốt. Cha kể chuyện đi làm, mẹ kể chuyện ruộng vườn, câu chuyện được cha mẹ cường điệu một chút, pha trò một chút, vậy là cả nhà cười vui như Tết. Chính vì lẽ đó mà chị em chị thường mong đến bữa cơm để nghe cha và mẹ chuyện trò.

Đã không ít lần  chị phàn nàn với chồng về chuyện đứa con trong bữa ăn thiếu lễ phép, không biết mời chào ai trước khi ăn. Truyền thống lễ phép trong ăn uống của người Việt Nam đã ngấm vào tiềm thức của những lớp người như chị. “Ăn trông nồi ngồi trông hướng”, “Liệu cơm gắp mắm”, “Nhịn miệng đãi khách”. Anh im lặng, vì theo anh lớp trẻ ngày nay nó đã khác nên anh chẳng bận tâm đến việc dạy dỗ con cái về những điều mà anh cho là “giáo điều”. Nhưng anh đâu có hiểu được rằng chính những việc mà anh cho là “giáo điều” ấy lại là mạch nguồn của đạo lý làm người mà ngay khi còn tuổi thơ cần phải được tiếp thu và răn dạy. Người răn dạy đó không ai khác chính là người cha, người trụ cột trong gia đình. Nếu người cha biết trò chuyện với con, dạy con học hành, dạy con cách ứng xử trong lối sống... thông qua bữa cơm gia đình thì khi lớn lên đứa trẻ sẽ có một nhân cách tốt.

Trong đời sống thời mở cửa, người ta chỉ có thể đắp xây thành công và cảm nhận hạnh phúc rõ rệt nhất trong bữa cơm gia đình sum họp. Những đứa con trong bữa cơm rất cần có sự định hướng của cha mẹ, được nghe những chuyện thất bại hay thành công trong công việc của người lớn, để các con thấy hết được giá trị của thành quả lao động mà cha mẹ đã có được, đồng thời thưởng thức những hương vị ẩm thực trong bữa ăn để trân trọng giá trị nhân văn của bữa cơm gia đình.

HOÀNG BÍCH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bữa cơm gia đình thời hội nhập