Chị ngồi lặng lẽ chống tay vào cằm bên mâm cơm đậy lồng bàn đã nguội ngơ nguội ngắt. Đồng hồ chỉ 21 giờ.
Mọi hôm giờ này anh mới về, người đã có hơi men. Chị vội vã đứng dậy hâm lại thức ăn. Hai vợ chồng ăn qua quýt cho xong bữa, bởi chị đã qua cơn đói, còn anh thì vừa tiếp đối tác làm ăn hoặc đã “nhậu một chầu” với bạn bè thì đói làm sao được. Nhưng hôm nay, anh vẫn chưa về…
Chị thèm vô cùng cái cảm giác được ăn một bữa cơm gia đình đông đủ, ấm cúng. Dù gia đình nhỏ của chị chỉ có bốn người là anh, chị và hai con nhưng đã từ lâu lắm rồi chị không được thưởng thức một bữa ăn gia đình đông đủ như chị ao ước. Hồi mới lấy nhau, chị thường chịu khó dậy sớm nấu bữa ăn sáng cho hai vợ chồng. Nhưng từ khi có con, thấy chị vất vả, tất bật, anh quyết định: “Em đừng mất thời gian nấu ăn sáng nữa. Để thời gian mà trang điểm, đến cơ quan cho xinh đẹp, gọn gàng. Hàng quán bây giờ mọc lên như nấm, vừa tiện vừa ngon, việc gì phải khổ”. Chị mừng thầm vì nghĩ anh thật tâm lý với vợ. Thế là chị không phải dậy sớm nữa, lại có thời gian chuẩn bị quần áo, phấn son trước khi đi làm. Thành ra, bữa sáng gia đình chị “tùy nghi di tản”. Trên đường đến cơ quan, anh sẽ tạt vào quán phở, quán bún nào đó. Chị đưa các con đến trường cũng là đưa con đi ăn sáng luôn.
Bữa trưa, hai con chị ăn bán trú tại trường. Anh thì ăn cơm ở cơ quan, vì chỗ làm cách nhà hơn chục cây số nên anh không về nhà. Chị cũng ở lại cơ quan luôn và gọi cơm hộp. Chị ngại không về nhà, mặc dù cơ quan chị cách nhà không bao xa nhưng vì chị nghĩ có một mình, ăn đáng bao nhiêu mà nấu nướng. Thành ra, một ngày chỉ còn bữa tối là cả gia đình có cơ hội quây quần bên mâm cơm. Nhưng một tuần có bảy ngày thì có tới năm, sáu, thậm chí cả bảy buổi tối anh đều về muộn. Lý do của anh rất chính đáng khiến chị không thể nói vào đâu được: “Anh phải chơi thể thao cho khỏe người. Chơi xong bạn bè rủ làm chầu bia chả lẽ lại từ chối”, hay: “Đối tác mời ăn nhà hàng, em và các con cứ ăn trước đi”... Hồi đầu ba mẹ con chị cố chờ nhưng thấy nhiều hôm anh về muộn, chị đành cho hai con ăn trước để chúng còn học bài và đi ngủ sớm. Chị nhất định chờ anh về mới ăn. Bao nhiêu tâm huyết của chị dành vào việc làm bữa ăn tối cho cả nhà nhưng chẳng bữa tối nào chị cảm thấy ngon miệng vì cái cảnh “cơm đợi canh chờ” cứ lặp đi lặp lại.
Nhiều lần chị tủi thân khi nghe cô bạn thân vô tư kể: “Ông xã nhà mình chỉ thích về ăn cơm với vợ con thôi. Từ ngày lên sếp, anh ấy càng sợ ăn nhà hàng, trốn được bữa nào về nhà ăn cơm là anh ấy mừng ra mặt”. Chị không dám kể lại chuyện đó với anh vì sợ anh tự ái, sợ anh nghĩ chị so sánh anh với chồng của bạn. Nhưng trong lòng chị rất muốn bữa ăn tối cả nhà đông đủ, nghe các con vừa ăn vừa bi bô kể chuyện ở trường, ở lớp. Bây giờ điều kiện kinh tế khá giả nên chị nghĩ bữa ăn gia đình không chỉ là sự thưởng thức vật chất mà còn cả tinh thần nữa. Cuộc sống thời hiện đại thật hối hả, lúc ngoảnh lại chị mới thấy tiếc những khoảng thời gian mà người thân trong gia đình có thể dành cho nhau, ấy là bữa ăn. Vậy mà...
Đang nghĩ vẩn vơ thì chị giật mình vì tiếng xe máy của anh đỗ xịch ở cửa nhà. Chị vội vàng chạy ra. Người anh nồng nặc mùi rượu bia. Chị dìu anh vào trong nhà. Anh đổ phịch người xuống ghế sa lông và ngủ một mạch đến sáng. Tối hôm ấy chị chẳng còn bụng dạ nào mà ăn uống, một phần vì giận anh, một phần vì lo cho anh, cũng may là anh đã về nhà an toàn. Dù mất ngủ nhưng sáng hôm sau chị vẫn dậy thật sớm vào bếp nấu ăn cho cả nhà. Anh ngạc nhiên trước sự thay đổi của chị, còn hai con thì tíu tít vì “cả nhà mình được ăn cùng nhau”. Anh tự cảm thấy mình có lỗi nên nói với các con nhưng thực ra là nói với chị: “Bố quyết định từ hôm nay sẽ không về muộn nữa”. Dù chị không nói gì nhưng nhìn vào mắt chị, anh hiểu chị hạnh phúc như thế nào.
TRẦN THỊ LÀNH