Brexit tiếp tục gây ra cuộc khủng hoảng trên chính trường Anh

04/09/2019 15:55

Nhằm tạo thuận lợi cho kế hoạch dẫn dắt nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa có một bước đi mạo hiểm.

Đó là đề nghị kéo dài kỳ nghỉ của các nghị sĩ và đặt Quốc hội vào tình trạng “treo” cho tới sát thời hạn chót Brexit, dự kiến vào ngày 31-10 tới. Song bước đi này lại đang làm tăng thêm sự bấp bênh trong tiến trình rời EU của Anh vốn đã quá phức tạp và khó lường trong suốt thời gian qua.


Nước cờ mạo hiểm của Thủ tướng Boris Johnson đã vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ

Nước cờ mạo hiểm

Kể từ khi lên thay nữ Thủ tướng Theresa May tiếp tục sứ mệnh dẫn dắt tiến trình Brexit (ngày 24.7.2019), ông Boris Johnson luôn khẳng định muốn đàm phán lại thỏa thuận Brexit mà người tiền nhiệm Theresa May và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được hồi tháng 11.2018 theo hướng thuyết phục EU loại bỏ điều khoản “chốt chặn” vốn gây bất đồng trên chính trường Anh thời gian qua.

Tuy nhiên, EU đến nay vẫn kiên quyết sẽ không đàm phán lại khiến cho tiến trình Brexit vẫn rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Johnson vẫn khẳng định chủ trương sẽ đưa Anh rời khỏi EU theo đúng thời hạn chót vào ngày 31.10 tới dù có hay không đạt được một thỏa thuận rời EU. 

Nhưng quan điểm trên của Thủ tướng Johnson đã gặp phải sự phản đối của các nghị sỹ tại Quốc hội Anh.

Các nghị sỹ đã tìm cách ngăn chặn mọi động thái hiện thực hóa kịch bản Brexit không thỏa thuận của Thủ tướng Johnson, trong đó có cả kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của ông Johnson khi Quốc hội Anh làm việc trở lại vào ngày 3-9 sau kỳ nghỉ Hè.

Một số nghị sĩ thuộc các đảng phái và phe nhóm khác nhau còn liên kết lại yêu cầu Thủ tướng Johnson đề xuất với EU hoãn Brexit đến ngày 31.1.2020 nếu muốn các nghị sỹ thông qua thỏa thuận mới với EU.

Nhằm đối phó với sự cản trở của các nghị sỹ tại Quốc hội Anh, ngày 28.8, Thủ tướng Johnson đã đề xuất với Nữ hoàng Elizabeth II trì hoãn lịch làm việc của Quốc hội nước này thêm hơn 5 tuần, từ ngày 3.9 tới ngày 14.10 tới.

Theo lịch hoạt động thường kỳ, sau kỳ nghỉ Hè thì Quốc hội Anh bắt đầu nhóm họp vào ngày 3.9 và sẽ làm việc trong vòng 2 tuần rồi lại tiếp tục nghỉ để các chính đảng tổ chức hội nghị thường niên, sau đó Quốc hội sẽ trở lại làm việc vào đầu tháng 10.

Song với đề xuất của Thủ tướng Johnson thì kỳ nghỉ của Quốc hội sẽ phải kéo dài tới tận ngày 14.10.

Điều này đồng nghĩa với việc kỳ họp mới của Quốc hội Anh sẽ bắt đầu chỉ 2 tuần trước khi Brexit chính thức diễn ra (vào ngày 31.10 tới). Vì vậy, động thái trên của ông Johnson đã vấp phải sự chỉ trích trong chính giới, cho rằng mục đích chính của Thủ tướng Johnson là ngăn quốc hội cản trở kế hoạch Brexit không thỏa thuận của ông. 

Giải thích lý do cho việc kéo dài kỳ nghỉ của Quốc hội, Thủ tướng Johnson cho rằng chính phủ cần xây dựng một chương trình lập pháp mới, đồng thời khẳng định sẽ có đủ thời gian cho tất cả các nghị sĩ thảo luận về Brexit và các vấn đề khác.

Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng, lý do khiến Thủ tướng Boris Johnson có bước đi trên là vì ông đã lường trước được hậu quả nếu ông đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu tại Quốc hội tới đây. Chắc chắn kết quả sẽ không thể khả quan hơn so với 3 lần bỏ phiếu trước đó dưới thời của cựu Thủ tướng Therasa May.

Thực tế trong 3 năm qua, giữa chính phủ và Quốc hội Anh đã luôn bất đồng về một số điều khoản trong thỏa thuận Brexit mà bà Theresa May ký với EU ngày 25-11-2018, do đó thỏa thuận này cứ trình lên Quốc hội là lại bị bác bỏ.

Vì vậy, nếu không muốn đi theo “vết xe đổ” của người tiền nhiệm Theresa May, ông Johnson được cho là không còn con đường nào khác là loại bỏ rào cản từ Quốc hội.

Và may mắn cho ông là đề xuất hoãn lịch làm việc của Quốc hội đã được Nữ hoàng Elizabeth II ủng hộ.

Theo các nhà phân tích, bằng cách này, ông Johnson đã thu hẹp cả không gian và thời gian tranh luận về Brexit, tại cả nghị trường lẫn trong dư luận Anh và ông đã loại bỏ được rất nhiều rủi ro, từ các nghị sĩ chống đối kịch liệt đối với kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Tuy nhiên bước đi trên của Thủ tướng Johnson cũng được cho là rất mạo hiểm mặc dù đã được ông cân nhắc kỹ lưỡng. 

Làn sóng phản đối

Đề xuất của Thủ tướng Anh Johnson về việc kéo dài kỳ nghỉ của các nghị sĩ đã tạo ra một cú sốc trên chính trường Anh. Thực tế trong lịch sử, không phải Quốc hội Anh chưa từng kéo dài kỳ nghỉ, song chưa khi nào quá một tuần sau ngày kết thúc hội nghị đảng cuối cùng.

Vì vậy, việc Thủ tướng Johnson đề xuất đặt Quốc hội Anh vào tình trạng “treo” trong vòng hơn 5 tuần đã ngay lập tức gây tranh cãi gay gắt trên chính trường và dư luận nước Anh.

Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow gọi đề xuất của ông Boris Johnson là “vi phạm hiến pháp”, nhằm ngăn chặn cơ quan lập pháp tranh luận về Brexit cũng như thực hiện nghĩa vụ định hình tương lai của quốc gia.

Còn lãnh đạo Công đảng đối lập ở Anh Jeremy Corbyn cho rằng, kế hoạch hoãn lịch làm việc của Quốc hội là vi hiến và đe dọa nền dân chủ quốc gia. 

Một phong trào chống kế hoạch của Thủ tướng Johnson đã được khởi động, với sự tham gia không chỉ của các thành viên và người ủng hộ Công đảng đối lập, mà cả các nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền. 

Hàng nghìn người dân Anh cũng đã tập trung tại các quảng trường ở London, Manchester, Edinburgh và nhiều thành phố khác trên cả nước Anh để phản đối kế hoạch trên.

Hơn 1,5 triệu người đã ký đơn trực tuyến, yêu cầu ông Johnson hủy bỏ kế hoạch ngừng hoạt động của Quốc hội. Tỷ lệ phản đối quyết định này, do hãng YouGov khảo sát, đã tăng lên từng ngày, sau khi đạt mức 47% ngay khi được công bố ngày 28-8 vừa qua.

Nhiều người chỉ trích việc ông Boris Johnson đề xuất hoãn lịch làm việc của Quốc hội sẽ càng làm trầm trọng cuộc khủng hoảng Brexit hiện nay, đồng thời cáo buộc ông Thủ tướng Johnson đang cố gắng né tránh Quốc hội để thực hiện Brexit không thỏa thuận. 

Những người biểu tình còn cho rằng, nền dân chủ Anh đang bị đe dọa, Thủ tướng Johnson đã cố thực hiện Brexit áp đặt theo cách mà ông muốn.

Một số người lo ngại hành động của Thủ tướng Johnson cũng sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho nước Anh khi lãnh đạo chính phủ có thể vận dụng các công cụ chính trị có trong tay để qua mặt cơ quan lập pháp, đẩy đất nước đến tình thế chia rẽ thêm.

Vì vậy, những người biểu tình cho rằng nước Anh cần Quốc hội thực sự có quyền lực, và có cơ cấu tổ chức một cách dân chủ, lành mạnh.

Vẫn bấp bênh lối thoát Brexit

Đứng trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của người biểu tình Anh, ngày 2.9, Thủ tướng Anh Johnson đã cảnh báo có thể sẽ kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 14.10 tới nếu các nghị sĩ thông qua dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận.

Ông cho biết ông không muốn kêu gọi tổng tuyển cử sớm, nhưng cho rằng những tiến bộ đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) sẽ không thể có được nếu các nghị sĩ thông qua dự luật ngăn chặn Brexit không thỏa thuận.

Ngoài ra, Thủ tướng Johnson cũng hy vọng nếu được các nghị sĩ ủng hộ thì ông hoàn toàn có thể đạt được những điều khoản thay đổi với EU trong thỏa thuận Brexit tại cuộc họp thượng đỉnh EU dự kiến vào ngày 17.10 tới.

Đây là những điều khoản khiến cho thỏa thuận Brexit giữa EU và người tiền nhiệm của ông Johnson là bà Theresa May đã bị Quốc hội bác bỏ đến 3 lần. Ông Johnson cho rằng việc các nghị sĩ bỏ phiếu nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận sẽ làm hỏng vị thế của Anh khi ngồi vào bàn thương thảo với EU. 

Trong tình thế hiện tại, các nhà phân tích nhận định, Brexit “cứng” hay “mềm” hoàn toàn tùy thuộc vào việc liệu EU có sẵn sàng đàm phán lại thỏa thuận vốn đã đạt được với cựu Thủ tướng Anh Theresa May hay không.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có tín hiệu nào cho thấy các nhà lãnh đạo EU sẽ nhượng bộ, đặc biệt là vấn đề liên quan đến điều khoản "chốt chặn" về biên giới Ireland. Đây là cơ chế nhằm tránh các biện pháp kiểm soát biên giới giữa Ireland, quốc gia thành viên của EU với Bắc Ireland thuộc Anh.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jeans-Claude Junker còn khẳng định, sự ủng hộ của EU dành cho Ireland là kiên định và EU sẽ tiếp tục chú trọng đến lợi ích của quốc gia thành viên này. Theo ông Junker, EU sẽ làm mọi cách để tránh một Brexit không thỏa thuận. Song nếu kịch bản này xảy ra thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về nước Anh.

Hiện tại, dư luận đang trông chờ xem kết quả của cuộc gặp giữa Thủ tướng Johnson và giới lãnh đạo EU sắp tới sẽ ra sao. Nếu kịch bản ông Johnson đạt được một thỏa thuận mới với EU xảy ra, và thỏa thuận mới này được Quốc hội Anh thông qua, nước Anh sẽ rời EU có thỏa thuận và suôn sẻ.

Nhưng nếu không, các lựa chọn lại có nguy cơ quay trở về vạch xuất phát: Brexit không thỏa thuận; hoặc Brexit bị tạm hoãn; hoặc Brexit bị hủy bỏ; thậm chí Brexit lại được quyết định trong một cuộc trưng cầu ý dân khác nữa. Dù là kịch bản nào thì nước Anh vẫn đang đứng trước một tương lai bấp bênh và khó lường.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Brexit tiếp tục gây ra cuộc khủng hoảng trên chính trường Anh