Giám đốc kỹ thuật Juergen Gede đáo hạn hợp đồng vào tháng 6 và VFF đang sốt sắng tìm người thay thế. Nhưng một giám đốc kỹ thuật mới có... cần thiết hay không?
1. Như đã thông tin, cuối tháng 6 tới hợp đồng có thời hạn 4 năm với Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Juergen Gede đáo hạn và VFF lẫn chuyên gia người Đức đều đồng thuận với quyết định không hợp tác thêm.
Chính vì thế, hiện VFF đang xúc tiến tìm người thay thế ông Juergen Gede. Theo Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh, VFF dành ưu tiên cho các ứng viên có kinh nghiệm để xây dựng phát triển cho bóng đá Việt Nam ở mảng đào tạo trẻ.
GĐKT Gede kết thúc hợp đồng để VFF đang tìm kiếm người thay thế |
Nói rõ hơn, tân GĐKT của bóng đá Việt Nam cần định hướng, xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các đội tuyển trẻ, đồng thời hỗ trợ câu lạc bộ, đào tạo lực lượng huấn luyện viên bóng đá trẻ…
Tất cả tiêu chí trên không mới vì đây rõ ràng là công việc của một GĐKT phải làm và đương nhiên cũng phù hợp với thực tế của bóng đá Việt Nam vào thời điểm hiện tại.
2. Về cơ bản, bóng đá muốn phát triển đồng bộ và có chiều sâu bắt buộc phải sở hữu một GĐKT- người luôn được ví như “kiến trúc sư” cho một nền bóng đá, hay thấp hơn là ở câu lạc bộ với công tác đào tạo trẻ.
Thành tích của các đội tuyển Việt Nam trong vài năm qua tương đối tốt để nhận sự quan tâm từ người hâm mộ, doanh nghiệp, vì vậy việc cần có một GĐKT giỏi để định hướng cho công tác đào tạo trẻ nhằm tạo dựng nền tảng, tiếp nối thành công cho đội tuyển quốc gia là thực tế.
Chính bởi cần thiết như thế nên chắc chắn bóng đá Việt Nam cần có một GĐKT mới thay cho chuyên gia người Đức vừa kết thúc hợp đồng. Càng cần hơn nữa khi mảng đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam dù bắt đầu có hệ thống, lớp lang nhưng chưa thực sự đồng bộ.
Và việc VFF sốt sắng tìm người thay thế ông Juergen Gede là hợp lý.
3. Như đã nói, Việt Nam cần một GĐKT giỏi để xây dựng cho nền bóng đá một hệ thống đào tạo trẻ chuyên nghiệp, đồng bộ nhất nhằm bổ sung, làm nền tảng cho những thành công của đội tuyển quốc gia.
nhưng với thực trạng của bóng đá Việt Nam, vào lúc này cần thay đổi từ VFF trước khi tìm một GĐKT mới |
Nhưng, nhìn vào thực tế và cách sử dụng con người ở vị trí GĐKT đôi khi lại bị bẻ ra ngã ba đường, theo kiểu có thì tốt mà chắc cũng chẳng sao. Bởi điều cơ bản nhất để sử dụng tối đa năng lực của một GĐKT là chưa ổn, có nghĩa hệ thống đào tạo, thi đấu trẻ mới chỉ dừng ở mức vừa với tiêu chí từ AFC, FIFA đưa ra.
Trong khi đó, việc nâng cao hơn nữa với một hệ thống thi đấu các giải trẻ dày, cũng như đủ “liều lượng” thì vẫn là chưa. Có nghĩa, nếu một đội trẻ ở cấp câu lạc bộ tham dự giải quốc gia, nhiều nhất cũng không hơn 15 trận/năm từ vòng loại cho đến vòng chung kết.
Không chỉ thực trạng thiếu đồng bộ công tác đào tạo trẻ từ các câu lạc bộ, ngay cả phương pháp sử dụng bộ não của GĐKT từ VFF dường như cũng chưa ổn. Cứ nhìn chuyên gia Juegen Gede tương đối ít việc trong giai đoạn 2 năm về sau của hợp đồng là đủ thấy.
Bóng đá Việt Nam cần một “kiến trúc sư” để vẽ ra một kế hoạch dài hơi cho những thành công kế tiếp, nhưng nếu VFF chưa thể “quy hoạch” một hệ thống đào tạo trẻ đầy đủ, chuyên nghiệp cũng như phù hợp với từng câu lạc bộ, địa phương… thì có GĐKT hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì lắm đến tình hình chung.
Theo Vietnamnet