Bóng chuyền nữ: Khó tìm vận động viên kế cận

21/08/2021 16:06

Tiền lương thấp, đãi ngộ không tương xứng là nguyên nhân chính khiến đội tuyển bóng chuyền nữ Hải Dương khó tìm được các lớp vận động viên kế cận.


Trong khoảng 10 năm trở lại đây, bóng chuyền nữ Hải Dương liên tục lên -  xuống giữa nhóm đội mạnh toàn quốc và hạng A1

Từng có "vai vế" trong lịch sử bóng chuyền Việt Nam, nhưng những năm gần đây, thứ hạng của bóng chuyền nữ Hải Dương liên tục trồi sụt, mà nguyên nhân chính là khó tìm các lớp vận động viên (VĐV) kế cận.

Chồng chất khó khăn

Bóng chuyền nữ Hải Dương hiện có 3 tuyến: trẻ mục tiêu (lớp năng khiếu mới tuyển), trẻ luân huấn (bắt đầu tham gia các giải trẻ, đã tập từ 3-4 năm) và đội tuyển. Trong đó, đội tuyển (đội A1) có 10 VĐV, số còn lại thuộc tuyến trẻ mục tiêu và trẻ luân huấn.

Theo thống kê của huấn luyện viên về thu nhập của VĐV, trong tổng số 19 câu lạc bộ (CLB) trên cả nước, gồm 10đội mạnh và 9 CLB hạng A1 thì CLB nữ Hải Dương đứng "thứ hai từ dưới lên". Hiện chỉ có 2 nữ VĐV hạng A1 có mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, gồm Vàng Thị Tặng (người dân tộc Thái, tỉnh Lai Châu) và Nguyễn Thị Thanh Mai.

Ông Phạm Đức Dũng, huấn luyện viên CLB Bóng chuyền nữ Hải Dương cho biết ngoài 2 VĐV nói trên thì 8 người của đội A1 còn lại đều là VĐV cấp 1 nhưng không có lương. Tương tự như vậy, 26 VĐV trẻ mục tiêu và trẻ luân huấn cũng đều không có lương và bất cứ khoản thu nhập nào khác. Như vậy, 34 VĐV hằng tháng chỉ được hưởng duy nhất tiền ăn với mức: VĐV hạng A1 là 220.000 đồng/người/ngày; trẻ mục tiêu và trẻ luân huấn 175.000 đồng/người/ngày.

Do không có tiền sinh hoạt phí, trong khi hầu hết VĐV là con các gia đình không khá giả (không hỗ trợ tài chính cho con) nên nhiều tháng một số VĐV không còn tiền mua xà phòng, dầu gội đầu...

Kinh phí dành cho mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện hằng năm từ nguồn ngân sách nhà nước phân bổ còn quá ít, không đáp ứng được điều kiện tập luyện. Ví dụ, năm 2020 là 50 triệu đồng/4 đội tuyển nam, nữ; năm 2021 là 60 triệu đồng/4 đội. Quy định cấp phát trang phục tập luyện, thi đấu cũng đang áp dụng từ năm 1997 đến nay, mỗi năm 1 VĐV chỉ được 1 bộ quần áo dài, 2 bộ ngắn và 2 đôi giầy. Khi vào thi đấu, yêu cầu phải có giầy chuyên dụng, các VĐV đều phải bỏ tiền riêng để mua sắm.

Do những khó khăn trên nên bóng chuyền nữ Hải Dương hiện rất khó tìm lực lượng kế cận. Các CLB khác do nguồn tài chính dồi dào nên có đội ngũ vệ tinh tuyển sinh ở khắp nơi, kể cả ngay tại Hải Dương. Khi phát hiện VĐV có thể hình, tố chất, có khả năng chuyên môn để giới thiệu cho các CLB, những vệ tinh này được hưởng ưu đãi lớn. "Có nhiều lần, ban huấn luyện đã về tận nhà để thuyết phục nhưng các em chỉ tập được một thời gian ngắn, khi biết thông tin về chế độ đã xin không ký hoặc chấm dứt hợp đồng và đầu quân ngay cho một đội khác. Hoặc có những em đã kiểm tra xong nhưng không ký hợp đồng đào tạo do được CLB khác đón đi", ông Phạm Đức Dũng nói.


Huấn luyện viên Phạm Đức Dũng cho biết ban huấn luyện thường xuyên phải động viên, thuyết phục để giữ chân các vận động viên ở lại

Làm gì để giữ chân vận động viên?

"Cần coi thể thao là một ngành nghề. VĐV là người làm nghề chứ không phải người chơi thể thao, đồng thời, nghề nghiệp đó phải nuôi sống được bản thân và gia đình họ, ít nhất là đủ trang trải các nhu cầu thiết yếu". Đây là ý kiến của những người đang làm công tác đào tạo bóng chuyền nữ cũng như nhiều môn thể thao khác của Hải Dương.

Theo nhận định của một số huấn luyện viên, nếu không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản trên thì bóng chuyền nữ Hải Dương sẽ chỉ nằm ở nhóm đầu các đội A1 và tiệm cận nhóm các đội mạnh. Trong lịch sử, một số tay chuyền đã tìm các "bến đỗ" với điều kiện cơ sở vật chất, mức lương hấp dẫn. Đó là Nguyễn Thị Thanh Thúy (giai đoạn năm 2000) sang CLB Bóng chuyền Ngân hàng Công thương; năm 2017 Lê Thị Hồng sang Than Quảng Ninh. Cả 2 VĐV này sau đó đều là trụ cột trong tuyển bóng chuyền quốc gia. Các VĐV trên đều có mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng và 300 triệu đồng cho 3 năm hợp đồng.

Năm 2020, bóng chuyền nữ Hải Dương cũng mất 3 chủ lực. Tại Hải Dương, Phạm Thị Thúy có mức lương 2,5 triệu đồng/tháng nhưng về Bamboo Airways Vĩnh Phúc với hợp đồng 3 năm, VĐV này nhận 300 triệu đồng và mức lương 15 triệu đồng/tháng. Nguyễn Thị Thu Trang cũng có mức lương 2,5 triệu đồng/tháng, khi về Kinh Bắc Bắc Ninh được nhận 300 triệu đồng cho 3 năm hợp đồng và mức lương 20 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng nóng, thưởng thành tích cao. Ngoài ra, tay chuyền 2, đội trưởng Nguyễn Thị Thủy chuyển sang công tác huấn luyện.

Được biết, với điều kiện hiện tại, nhất là chính sách đầu ra sau khi kết thúc sự nghiệp chưa có nên nhiều nữ VĐV bóng chuyền dao động, thậm chí có người bày tỏ ý định sang những CLB khác hoặc đi làm công nhân để nuôi bản thân và hỗ trợ gia đình. Để giữ chân VĐV, ban huấn luyện thường xuyên phải vận động, thuyết phục họ ở lại và mong chờ sẽ sớm có các khoản hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống.

Huấn luyện viên Phạm Đức Dũng đề nghị cơ chế về tiền công, tiền lương cần được tháo gỡ để kịp thời động viên, giúp các VĐV ổn định cuộc sống, yên tâm tập luyện và thi đấu. Đặc biệt, cần có nguồn lực lớn, nhất là có các nhà tài trợ để tuyển bóng chuyền nữ Hải Dương ổn định vị trí và giành các thứ hạng cao tại các giải đấu.

TIẾN HUY

Trong lịch sử, bóng chuyền nữ Hải Dương từng vô địch quốc gia vào các năm 1978 và 1980; huy chương đồng Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 1995. Từ năm 1990-2000, thường xuyên nằm trong top 4-6 đội mạnh. Khoảng 10 năm trở lại đây, luôn nằm trong top cuối đội mạnh và đầu hạng A1. Cuối năm 2020, đội thua Hải Tiến Thanh Hóa 0-3, không thể góp mặt tại nhóm các đội mạnh quốc gia năm 2021 và tụt xuống hạng A1.

(0) Bình luận
Bóng chuyền nữ: Khó tìm vận động viên kế cận