Boeing sẵn sàng phóng tàu vũ trụ lần đầu tiên lên ISS

18/12/2019 11:22

Tập đoàn Boeing đã hoàn tất mọi công đoạn để thực hiện phóng tàu vụ trụ đầu tiên của tập đoàn này lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào cuối tuần này.

Đây được coi là sứ mệnh quan trọng trong bối cảnh Cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Mỹ (NASA) có kế hoạch đến năm 2020 nối lại các chuyến đưa phi hành gia Mỹ lên vũ trụ. 

Dự kiến, vụ phóng được thực hiện từ bãi phóng ở Cape Canaveral vào 18h30 ngày 20/12 theo giờ địa phương, tức 6h30 sáng 21/12 theo giờ Việt Nam. Tàu con thoi CST-100 Starliner sẽ được phóng lên nhờ tên lửa đẩy Atlas V, mang theo hình nộm có tên Rosie, và sẽ tới ISS trong vòng 25 giờ đồng hồ. Sau khi lên tới ISS, tàu CST-100 Starliner sẽ kết nối với trạm trung tâm trong 7 ngày trước khi trở về Trái Đất vào lúc 3h46 phút ngày 28/12 và đáp xuống sa mạc New Mexico. Giám đốc chương trình của Dự án phi hành đoàn thương mại Boeing John Mulholland cho biết tàu CST-100 Starliner đã sẵn sàng cho sứ mệnh vũ trụ đầu tiên này. 

Nếu thành công, sứ mệnh không gian lần này của Boeing đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong dự án nối lại các chuyến tàu đưa phi hành gia lên ISS mà NASA ấp ủ từ lâu.

Cuối tháng 3 vừa qua, tàu con thoi của SpaceX mang tên Crew Dragon đã thực hiện thành công sứ mệnh không gian tương tự. Điểm khác biệt chính là tàu Crew Dragon khi quay trở về Trái Đất đã đáp xuống biển thay vì sa mạc. Cả hai tàu đều phải dùng dù để giảm dần độ cao khi hạ cánh.  

Kể từ khi chương trình tàu con thoi của Mỹ kết thúc vào năm 2011, Mỹ phải thuê các tàu vũ trụ của Nga để thực hiện các sứ mệnh lên ISS. Tuy nhiên, năm 2014, NASA đã ký hợp đồng trị giá 4,3 tỷ USD với Boeing và 2,5 tỷ USD với SpaceX để nối lại dự án đưa phi hành gia Mỹ lên ISS.

Theo tính toán, với các chuyến bay lên vũ trụ do Boeing thực hiện, NASA phải chi 90 triệu USD cho mỗi phi hành gia, trong khi mức chi đối với SpaceX là 50 triệu USD và đối với dịch vụ của Nga là 80 triệu USD.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Boeing sẵn sàng phóng tàu vũ trụ lần đầu tiên lên ISS