Theo đánh giá từ Bộ Y tế, dịch bệnh COVID-19 vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh trong hơn 30 ngày qua.
Người dân khai báo y tế điện tử. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, Bộ Y tế đang rà soát văn bản, đánh giá tình hình và trước mắt sẽ xem xét tạm dừng thực hiện khai báo y tế nội địa.
Số ca tử vong thấp nhất trong 10 tháng
Theo đánh giá từ Bộ Y tế, ở Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh trong hơn 30 ngày qua.
Cụ thể, những ngày qua, số ca mắc COVID-19 mới trong ngày giảm hơn 20 lần so với giai đoạn cao điểm vào giữa tháng Ba khi có ngày ghi nhận tới 175.000 ca mắc/ngày xuống còn khoảng 8.000 ca mắc/ngày. Đây là mức thấp nhất trong hơn 5 tháng qua khi biến thể Omicron xâm nhập và lây lan rộng ở Việt Nam.
Trong hơn 30 ngày qua, số ca nặng, nguy kịch đang điều trị tại bệnh viện giảm hơn 5 lần từ hơn 3.300 ca xuống còn hơn 600 ca nặng đang điều trị. Giảm hơn 10 lần số ca tử vong, từ hơn 60 ca mỗi ngày xuống còn hơn 5 ca mỗi ngày, thấp nhất trong 10 tháng qua.
Chính vì vậy, Bộ Y tế đang rà soát văn bản, đánh giá tình hình, trước mắt xem xét tạm dừng thực hiện khai báo y tế nội địa để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Trong trường hợp có biến chủng mới nguy hiểm hoặc có diễn biến dịch COVID-19 bất thường, Bộ Y tế sẽ áp dụng trở lại việc khai báo y tế nội địa và có thông báo cụ thể tới các tỉnh, thành phố.
Phát biểu trong cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: "Tới đây, chúng ta sẽ bỏ khai báo y tế nội địa vì không thực hiện truy vết nữa. Việc này là từng bước để đưa cuộc sống trở lại bình thường."
Trước đó, từ 27.4, Bộ Y tế đã có quyết định dừng khai báo y tế với người nhập cảnh tại tất cả cửa khẩu trong bối cảnh ca nhiễm và tử vong do COVID-19 có xu hướng giảm trên toàn cầu cũng như Việt Nam.
WHO vẫn cảnh báo về những biến thể mới
Thống kê cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế cho biết hiện có gần 95% xã phường toàn quốc là vùng xanh và vàng (nguy cơ dịch COVID-19 thấp và trung bình), trong đó số xã phường vùng xanh là 80,9%; vùng vàng là 13,8%. Số xã, phường thuộc vùng đỏ (nguy cơ rất cao về dịch COVID-19) chỉ còn 0,1%.
So với tuần trước, số xã phường vùng xanh và vàng đã tăng mạnh (thêm hơn 1.000 xã phường đạt mức vùng xanh và vùng vàng).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.638.632 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.538 ca nhiễm). Đến nay, đã có hơn 9,2 triệu ca mắc bệnh COVID-19 đã khỏi.
Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 27.4 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 7.116 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước - mức thấp nhất trong vòng nhiều tháng qua.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể xảy ra làm cho diễn biến dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Ngày 26.4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia duy trì giám sát các ca mắc COVID-19, cho rằng thế giới đang "xem nhẹ" cách thức virus lây lan do tỷ lệ xét nghiệm giảm.
Phát biểu họp báo tại trụ sở WHO ở Geneva, người đứng đầu WHO nêu rõ trong tuần qua, WHO nhận được báo cáo về hơn 15.000 ca bệnh không qua khỏi do COVID-19, mức theo tuần thấp nhất kể từ tháng 3.2020. Dù đây là xu hướng đáng hoan nghênh, song khi mà nhiều nước giảm xét nghiệm, WHO sẽ ngày càng nhận được ít thông tin về cách thức lây lan và giải trình tự. Điều này khiến thế giới ngày càng khó nắm bắt được các mô hình lây truyền và tiến hóa của virus.
Do vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Các địa phương cần bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đến tận cấp cơ sở; tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để điều chỉnh kịp thời, triển khai thống nhất.
Theo TTXVN