Y tế - Sức khỏe

Bộ Y tế thông tin về biến thể phụ JN.1 xuất hiện ở ca mắc COVID-19

TB (theo Vietnam+) 24/01/2024 19:02

Trong 2 tuần đầu năm 2024, Việt Nam ghi nhận 419 ca mắc COVID-19 và nhập viện rải rác tại 39 tỉnh, thành phố.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người bệnh. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người bệnh

Biến thể JN.1 của COVID-19 là nguyên nhân gây gia tăng số ca mắc tại một số nước, trong đó có Việt Nam. Thời gian gần đây qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã phát hiện biến thể phụ JN.1 của SARS-CoV-2 ở các bệnh nhân nhập viện trong tháng 12/2023 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Không nên quá hoang mang

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tiến trình phát hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2 năm 2023 do nhóm giám sát bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh thực hiện vào tháng 12/2023 từ mẫu bệnh phẩm của 16 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 điều trị tại bệnh viện trong tháng 12/2023.

Cụ thể, ghi nhận có 12/16 bệnh nhân (75%) nhiễm biến thể phụ của Omicron JN.1, ngoài ra có 1 ca nhiễm biến thể JN.1.1; 2 ca BA.2.86.1. Dấu hiệu đáng lo ngại là số ca nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới do COVID-19 có xu hướng gia tăng dần trong 6 tuần gần đây.

Trước thông tin trên, ông Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng phụ trách, quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay Tổ chức Y tế thế giới phân loại các biến thể của SARS-CoV-2 thành 4 nhóm: Biến thể cần quan tâm, biến thể đáng lo ngại, biến thể được theo dõi, biến thể gây hậu quả nghiêm trọng.

“Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, biến thể JN.1 là biến thể phụ nhánh BA.2.86 của chủng Omicron, thuộc nhóm biến thể cần quan tâm, không có bằng chứng độc lực tăng lên dù số ca mắc có dấu hiệu tăng. Chúng ta không chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang, lo lắng," ông Đức phân tích.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho biết năm 2023, cả nước ghi nhận 99.000 ca mắc COVID-19, giảm 82,4 lần so với 2022; không có trường hợp nào tử vong.

Trong 2 tuần đầu năm 2024 ghi nhận 419 ca mắc COVID-19 và nhập viện rải rác tại 39 tỉnh, thành phố; số ca mắc tăng 2,4 lần so với 2 tuần trước đó, số ca nhập viện tăng nhưng không có trường hợp trong tình trạng nặng, hệ thống điều trị hiện vẫn đáp ứng hiệu quả

Về nguyên nhân làm gia tăng số ca mắc COVID-19, ông Đức cho rằng hiện COVID-19 tương tự cúm mùa thông thường, thời điểm gia tăng ca bệnh có thể giống bệnh cúm.

Những ai cần tiêm nhắc vaccine COVID-19?

Phó giáo sư Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết hiện nay ở kho của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang bảo quản hơn 432.000 liều vaccine COVID-19 Pfizer có hạn dùng đến cuối tháng 9/2024.

Liên quan đến việc tiêm nhắc lại vaccine COVID-19, ông Đức cho biết sau phiên họp ngày 22/1 với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về các vấn đề liên quan đến COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục họp bàn kỹ với Hội đồng tư vấn về vaccine và tiêm chủng.

Quan điểm chung cũng như hướng dẫn của WHO là có 3 nhóm cần tiêm nhắc lại vaccine COVID-19, gồm: Người từ 50 tuổi trở lên và có bệnh nền; phụ nữ mang thai và người chưa tiêm vaccine COVID-19 lần nào. Thời gian tiêm nhắc khuyến cáo là từ 9-12 tháng sau mũi tiêm cuối cùng. Tới đây Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Đến nay, các tỉnh thành đã tổng hợp trên 100.000 người có nhu cầu tiêm vaccine này. Bộ Y tế sẽ phân bổ vaccine để tiến hành tiêm chủng cho đối tượng có nguy cơ trong thời gian tới.

Hiện Việt Nam đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine COVID-19. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới với tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%, tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.

TB (theo Vietnam+)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Y tế thông tin về biến thể phụ JN.1 xuất hiện ở ca mắc COVID-19