Với mẫu mới của giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin Covid-19 với 7 mũi bao gồm mũi tiêm cơ bản, mũi tiêm nhắc lại và mũi tiêm bổ sung, nhiều người lo lắng việc cập nhật 2 mũi tiêm cũ thế nào trong mẫu mới.
Bộ Y tế vừa sửa đổi mẫu giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin Covid-19, nội dung ghi rõ 7 mũi bao gồm mũi tiêm cơ bản, mũi tiêm nhắc lại và mũi tiêm bổ sung.
Như vậy, so với mẫu cũ ghi hai mũi cơ bản, mẫu mới được bổ sung các thông tin liên quan mũi tiêm liều cơ bản (3 mũi), liều bổ sung (một mũi) và liều nhắc lại (3 mũi). Tổng cộng, tùy loại vắc-xin được tiêm (loại liệu trình 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi và cần tiêm bổ sung), một người có thể cần 7 mũi tiêm.
Mẫu giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin Covid-19 có 7 mũi tiêm
Đến thời điểm này, liều nhắc lại được Bộ Y tế cho phép tiêm một mũi, chưa có hướng dẫn tiêm nhắc mũi 2, 3.
Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, người tiêm vắc-xin Vero cell, Sputnik phải tiêm mũi bổ sung mới được xem đủ liều cơ bản. Như vậy liều cơ bản hai loại vắc-xin này lên 3 mũi.
Với các vắc-xin khác như AstraZeneca, Pfizer, Moderna... liều cơ bản là 2 liều mỗi liều tiêm cách nhau 3-6 tuần tùy loại.
Bộ Y tế cũng hướng dẫn, liều bổ sung là liều tiêm sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Liều nhắc lại, tiêm ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.
Theo quy định của Bộ Y tế, tất cả người dân đã tiêm vắc-xin vắc-xin Covid-19 đều sẽ nhận được giấy xác nhận tiêm có đầy đủ thông tin về thời gian tiêm, tên người tiêm, tên loại vắc-xin được tiêm...
Giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin Covid-19 được cấp cho mỗi người sau khi thực hiện tiêm chủng theo quy định. Sau khi kết thúc thời gian theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm, cơ sở tiêm chủng cung cấp giấy xác nhận đã tiêm theo mẫu cho người dân. Nếu người dân đã hoàn thành việc tiêm chủng nhưng chưa hoặc không được cấp giấy thì liên hệ đến nơi mà người dân đã tiêm để được hướng dẫn về vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc tại sao vẫn sử dụng mẫu Giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin Covid-19 trong khi Việt Nam đã thực hiện cập nhật các mũi tiêm nên hệ thống quản lý tiêm chủng điện tử, ông Đỗ Trường Duy, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), hiện nay một số quốc gia chưa liên thông dữ liệu tiêm chủng vắc-xin nên việc cấp giấy chứng nhận giấy để thuận tiện cho người dân sử dụng.
Hơn nữa, theo ông Duy không phải tất cả mọi người dân đều sử dụng điện thoại có phần mềm cập nhật mũi tiêm vắc-xin nên các điểm tiêm chủng vẫn thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho người dân để thuận tiện trong việc sinh hoạt, đi lại, làm việc.
Các mũi tiêm bổ sung/nhắc lại sẽ được cập nhập trên phần mềm điện tử
Ông Đỗ Trường Duy cũng cho biết Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) là đơn vị hướng dẫn cấp giấy xác nhận tiêm chủng vắc- xin Covid-19 bản giấy. Còn giấy xác nhận tiêm chủng bản điện tử đã được hai bộ Y tế, Thông tin và truyền thông thống nhất chuẩn mẫu. Trên hệ thống phần mềm sẽ thể hiện các mũi tiêm của người dân.
Với mũi tiêm bổ sung và mũi nhắc lại (mũi 3), Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương, điểm tiêm chủng nhanh chóng cập nhật số mũi tiêm, đảm bảo dữ liệu tiêm chủng kịp thời cho người dân trên hệ thống phần mềm.
Lý giải thêm về việc có cần xác nhận 3 mũi tiêm trong mẫu giấy xác nhận mới, một đại diện Bộ Y tế cho biết với mũi tiêm thứ 3 người dân sẽ được cấp giấy chứng nhận đã tiêm mũi nhắc lại/mũi bổ sung. Người dân vẫn sử dụng mẫu giấy xác nhận cũ với 2 mũi tiêm đã được cấp trước đó.
Theo Người lao động