Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết bệnh hoại tử xương sọ - mặt không phải là bệnh lạ, khuyến cáo người dân không hoang mang.
Phim chụp bệnh nhân bị hoại tử xương sọ. Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy
Trưa 20.7, phó giáo sư Khuê cho biết hội đồng chuyên môn gồm hơn 20 chuyên gia các bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Răng hàm mặt TP Hồ Chí Minh, Chợ Rẫy, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã họp đánh giá các ca hoại tử xương sọ mặt sau mắc Covid-19. "Bệnh hoại tử xương sọ mặt không lạ tuy nhiên hiếm gặp - đây là kết luận chính thức của các bên", ông Khuê nói.
Theo báo cáo của hội đồng chuyên môn, bệnh hoại tử xương sọ mặt có thể xuất hiện trên người xạ trị vùng đầu, mặt, cổ, lạm dụng thuốc chống loãng xương bisphosphonate, viêm cốt tủy xương hàm do nguyên nhân từ răng và nhiễm trùng máu, chấn thương sọ - mặt, viêm xoang hàm do nấm hoặc rối loạn chuyển hóa của bệnh Paget...
Những ca bệnh tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy thời gian qua liên quan tới thiếu dưỡng cục bộ ở xương sọ - mặt và nhiễm khuẩn với nhiều nguyên nhân khác nhau, cần được nghiên cứu thêm, theo hội đồng.
Báo cáo không đề cập bệnh này có liên quan tới Covid-19 hay không. Một thành viên của hội đồng chuyên môn cho biết: "Hội đồng chưa kết luận Covid-19 có liên quan bệnh hoại tử xương sọ mặt hay không, chúng tôi đã gửi báo cáo đến Bộ Y tế và chờ ý kiến".
Hiện Bộ Y tế cũng chưa kết luận nguyên nhân bệnh. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang với bệnh này do Việt Nam đã có kinh nghiệm điều trị, làm chủ kỹ thuật xét nghiệm, chụp chiếu, phẫu thuật. Ngoài ra, các ca bệnh chỉ xuất hiện cục bộ ở hai bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh.
Các dấu hiệu cảnh báo sớm trên người từng mắc Covid-19 gồm: sưng, đau sọ, mặt kéo dài, rò mủ ở miệng, mặt, răng lung lay bất thường, loét niêm mạc, lộ xương. Phó giáo sư Khuê khuyến cáo người dân chủ động đi khám bệnh khi có một trong các dấu hiệu nói trên. Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn bệnh viện chăm sóc, chủ động đón tiếp, điều trị hoặc chuyển tuyến khi cần thiết.
Hồi giữa tháng 7, hơn 20 ca bệnh hoại tử xương sọ - mặt xuất hiện tại một số bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh như Răng hàm mặt Trung ương, Tai mũi họng, Chợ Rẫy. Điểm chung ở họ là từng mắc Covid-19, song không rõ bệnh có liên quan Covid-19 hay không. Trong đó, có hai người đã tử vong. Đại diện các bệnh viện nhận định số ca bệnh tăng bất thường, tăng số lượng người bị hoại tử xương hàm trên, xương sọ, vùng hàm mặt. Hôm 14.7, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện nghiên cứu và báo cáo về các ca bệnh này.
Nhận định về nguyên nhân gây hoại tử xương sọ mặt sau Covid-19, nhà khoa học người Ai Cập Haytham Al-Mahalawy, Trưởng bộ môn răng hàm mặt và Khoa Phẫu thuật răng hàm mặt, cho biết chứng hoại tử xương hàm có thể bắt nguồn từ việc sử dụng corticosteroid; bệnh nhân bị nhiễm trùng cơ hội do vi khuẩn, vi nấm; hoặc mắc bệnh nền mạn tính như tiểu đường. Công trình nghiên cứu của ông Haytham Al-Mahalawy được đăng tải trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm BMC.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng thế giới ghi nhận nhiều ca tiểu đường bị cốt tủy viêm xương. Covid-19 khiến cho cơ thể bị rối loạn miễn dịch cùng với bệnh nền khiến cho nấm phát triển nhiều hơn trong cơ thể, gây viêm nhiễm. Trong 11 ca bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, có tới 5 ca tiểu đường.
Theo VnExpress