Bố trí cán bộ trẻ làm Phó Chủ tịch UBND cấp xã: Ách tắc do đâu?

17/03/2022 14:27

Hiện trong tỉnh chưa có địa phương nào thực hiện được việc bố trí cán bộ trẻ (dưới 30 tuổi) tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn như Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra.


Anh Mạc Tiến Tùng (bên phải) là nhân sự trẻ nhất tỉnh được đưa về cơ sở làm Phó Chủ tịch UBND cấp xã (Ảnh tư liệu)

Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu đến hết năm 2025 bố trí 10-15% số xã, phường, thị trấn có cán bộ trẻ (dưới 30 tuổi) tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND.

Để thực hiện mục tiêu trên, đề án đưa ra giải pháp thực hiện thí điểm việc luân chuyển cán bộ trẻ (dưới 30 tuổi) được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, uy tín, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công việc, hiện là lãnh đạo cấp phòng thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện về làm cán bộ chủ chốt ở cấp xã để tạo nguồn từ xa cho các chức danh chủ chốt cấp huyện, sở, ngành và cấp tỉnh. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục một số hạn chế trong công tác cán bộ là tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp còn thấp; cơ cấu 3 độ tuổi trong quy hoạch cấp ủy, lãnh đạo ở một số địa phương, cơ sở chưa đạt yêu cầu đề ra dẫn đến hẫng hụt nguồn nhân sự khi xem xét kiện toàn một số chức danh cán bộ... Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế tại các địa phương trong tỉnh, việc thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu trên đang gặp nhiều khó khăn.

TP Chí Linh là địa phương đi đầu đưa nhân sự trẻ tuổi về làm lãnh đạo UBND cấp xã nhưng cũng chưa thể đạt các tiêu chí như Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra. Tháng 10.2021, UBND TP Chí Linh điều động anh Mạc Tiến Tùng, sinh năm 1991, là chuyên viên Phòng Kinh tế và đã được quy hoạch chức danh Phó Trưởng phòng về làm công chức phường Tân Dân. Sau đó, anh Tùng được HĐND phường Tân Dân bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND phường nhiệm kỳ 2021-2026. Anh Tùng là nhân sự trẻ nhất tỉnh được điều động từ cấp huyện về cơ sở và làm Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Nhưng so với Đề án 02 thì trường hợp của anh Tùng vẫn có một số tiêu chí chưa đạt như anh Tùng đã quá 30 tuổi, chưa là lãnh đạo cấp phòng. Sau hơn 5 tháng đảm nhiệm chức danh mới, anh Tùng cho biết vẫn phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu, trao đổi, học hỏi để làm tốt vai trò Phó Chủ tịch UBND phường vì khối lượng công việc rất lớn.

Tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương, việc tìm kiếm, chọn lọc được cán bộ trẻ như Đề án 02 đặt ra đang gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các địa phương không có cán bộ cấp phòng dưới 30 tuổi. Ở những nơi có cán bộ trẻ thì việc tìm người có đủ năng lực, bản lĩnh để điều động, giới thiệu để HĐND cấp xã bầu làm Phó Chủ tịch UBND cùng cấp cũng không dễ dàng. Có địa phương đưa cán bộ trẻ về phường nhưng tín nhiệm không cao, phiếu bầu đạt tỷ lệ thấp. Đồng chí Vũ Văn Cấp, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lộc cho biết: “Cán bộ dưới 30 tuổi thì kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp, kỹ năng làm việc còn hạn chế, rất khó đảm đương tốt nhiệm vụ của 1 Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Cán bộ trẻ xuất sắc không nhiều, trong khi việc tuyển dụng thêm công chức, viên chức cũng gặp khó khăn do các địa phương đang phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về tinh giản biên chế”.

Đồng tình quan điểm trên, một số lãnh đạo Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện cho rằng việc đưa cán bộ trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND cấp xã nên đề cao hiệu quả về đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ. Tỉnh cần tăng thêm 1 Phó Chủ tịch UBND cấp xã đối với xã loại II theo đúng Nghị định số 69/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25.1.2016 của Chính phủ để tạo thuận lợi cho việc đưa cán bộ trẻ về cơ sở; điều chỉnh một số tiêu chí như nâng thêm độ tuổi, không nhất thiết đang làm lãnh đạo cấp phòng...

Có thể thấy, việc tăng cường đưa cán bộ trẻ về làm lãnh đạo ở cơ sở là chủ trương đúng đắn nhằm tạo điều kiện để cán bộ trẻ tiếp cận với thực tiễn cuộc sống, rèn luyện năng lực lãnh đạo, quản lý. Đây cũng là giải pháp quan trọng góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ, nhất là xây dựng được đội ngũ cán bộ trẻ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng. Để thực hiện tốt Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cùng với việc hoàn thiện các cơ chế, quy định phù hợp với thực tiễn, các cấp ủy, chính quyền ở các địa phương, cơ quan, đơn vị cần có nhận thức đúng đắn, quyết tâm cao trong việc sử dụng cán bộ trẻ, quan tâm đào tạo và mạnh dạn tin tưởng giao việc, thử thách, sử dụng cán bộ trẻ.

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Bố trí cán bộ trẻ làm Phó Chủ tịch UBND cấp xã: Ách tắc do đâu?