Ở Bảo tàng tỉnh hiện có một bộ sưu tập gồm 15 khẩu súng thần công được phát hiện một cách ngẫu nhiên từ 3 địa điểm khác nhau.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh thường xuyên kiểm tra, bảo quản súng thần công
Trong đó có 13 khẩu được phát hiện tháng 6.1996 tại chân cầu Ghẽ (Cẩm Giàng). Một khẩu được phát hiện trong khi người dân khai thác cát ven sông Luộc, thuộc khu 4, thị trấn Ninh Giang vào tháng 9.2001 và một khẩu phát hiện tại xã An Lạc (nay là phường An Lạc, TP Chí Linh).
Khẩu lớn nhất dài 2,7 m, đường kính miệng 0,21 m, chu vi đáy 1,15 m; khẩu nhỏ nhất dài 0,84 m, đường kính miệng 0,085 m.
Súng có dạng hình trụ tròn, miệng thu nhỏ, rộng dần về phía đáy, trên thân có những đường gờ nổi. Các khẩu súng phát hiện tại chân cầu Ghẽ có 1 khẩu trên thân có chữ Minh Mệnh bằng chữ Hán.
Sau khi phát hiện, 15 khẩu súng được Bảo tàng tỉnh sưu tầm và bảo quản.
Căn cứ vào lịch sử tỉnh Hải Dương và địa điểm phát hiện, các nhà nghiên cứu cho rằng đây là vũ khí mà quân và dân ta đã sử dụng để bảo vệ thành Mao Điền (lỵ sở tỉnh Hải Dương thời Nguyễn), thủ phủ Ninh Giang và các vùng xung quanh.
Theo giám định bước đầu, số súng trên có niên đại từ thời hậu Lê (thế kỷ XVIII) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đây là sưu tập hiện vật quý mang giá trị lịch sử tiêu biểu, gắn liền với thời kỳ lịch sử hào hùng của Hải Dương nói riêng và của dân tộc nói chung.
15 khẩu súng thần công là nguồn sử liệu quan trọng góp phần nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng.
Điều ấy cũng chứng minh rằng cha ông ta xưa đã đạt trình độ kỹ thuật cao trong việc chế tạo vũ khí, đến vận hành, sử dụng để chống lại quân xâm lược.
Hiện bộ sưu tập súng này được Bảo tàng tỉnh bảo quản và trưng bày phục vụ nhu cầu tham quan, học tập và nghiên cứu của công chúng.
NGUYỄN BÁ HÙNG