Bổ sung định mức biên chế giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học

11/07/2018 16:39

Từ năm học 2010 - 2011, tỉnh triển khi dạy thí điểm chương trình tiếng Anh mới ở 4 trường tiểu học; năm học 2012 - 2013 có thêm 3 trường THCS...


Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Chung

Sáng 11.7, HĐND tỉnh nghe đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh trình bày báo cáo giám sát chuyên đề kết quả thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục ở tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 – 2020”.

Từ năm học 2010 - 2011, tỉnh triển khi dạy thí điểm chương trình tiếng Anh mới ở 4 trường tiểu học; năm học 2012 - 2013 có thêm 3 trường THCS và năm học 2013 - 2014 có 2 trường THPT tham gia. Đến năm học 2017-2018, cấp tiểu học có 90,1% số trường với 80,6% số học sinh; cấp THCS có 60% số trường với 41% số học sinh; cấp THPT có 55,5% số trường với 11,4% số học sinh. Mục tiêu Đề án đến năm học 2018 - 2019, 100% số trường học ở cả 3 cấp thực hiện chương trình tiếng Anh mới.

Để góp phần tạo môi trường học tiếng Anh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã triển khai dạy học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài theo hình thức xã hội hóa từ học kỳ 2 năm học 2015-2016. Đến nay, toàn tỉnh đã có 37 trường tham gia triển khai. Trong đó 15 trường tiểu học,15 trường THCS và 7 trường THPT.

Qua triển khai chương trình tiếng Anh mới, một bộ phận học sinh tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh, vốn từ vựng được tăng cường. Học sinh các cấp học cơ bản đạt trình độ theo quy định sau tốt nghiệp, học sinh không hoàn thành chương trình chiếm tỷ lệ thấp, kết quả thi môn ngoại ngữ vào lớp 10 và thi THPT quốc gia từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, một số ngành liên quan và địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện đề án. Công tác chỉ đạo, phối hợp của các thành viên trong Ban chỉ đạo các cấp thực hiện đề án chưa thường xuyên, chặt chẽ, chủ yếu mới tập trung ở cơ quan thường trực là ngành GDĐT.

Công tác tuyên truyền thực hiện đề án tới các cấp, các ngành, giáo viên, phụ huynh học sinh còn hạn chế, ảnh hưởng tới sự quan tâm, đầu tư cho việc dạy và học ngoại ngữ. Việc bố trí, sắp xếp vị trí việc làm đối với giáo viên tiếng Anh ở bậc tiểu học còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai đề án.

Một số mục tiêu của đề án được đặt ra cao so với khả năng thực hiện. Mục tiêu đề án chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy, người học, thực trạng dạy và học ngoại ngữ của tỉnh; chưa phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học giữa các khu vực thành thị, nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh.

Đội ngũ giáo viên ngoại ngữ có trình độ không đồng đều, được đào tạo từ nhiều phương thức khác nhau. Một bộ phận năng lực thực tế chưa tương xứng với bằng cấp. Việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và sử dụng trang thiết bị cho giáo viên tiếng Anh chưa đáp ứng được nhu cầu. Giáo viên tiếng Anh ở bậc tiểu học chưa được quy định vị trí việc làm, chủ yếu là giáo viên hợp đồng, không ổn định, gây khó khăn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng.

Tỷ lệ giáo viên THPT đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ còn thấp so với mục tiêu đề án (57,9%), chưa có giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ. Còn một số giáo viên đã qua nhiều lần bồi dưỡng, nhiều lần thi năng lực nhưng không đạt chuẩn. Số lượng trường, lớp, học sinh tham gia còn thấp, nhất là ở bậc THCS, THPT và ở khu vực nông thôn...

Báo cáo đề nghị Chính phủ chỉ đạo liên Bộ GDĐT, Nội vụ xem xét, bổ sung định mức biên chế cho giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học để tổ chức dạy liên thông chương trình mới ở các cấp học. Bộ GDĐT sớm thống nhất chương trình tiếng Anh 7 năm và 10 năm để tổ chức thi vào lớp 10 THPT và thi THPT quốc gia theo chương trình mới, hướng dẫn chi tiết việc tổ chức đánh giá chất lượng học sinh; điều chỉnh giáo trình tiếng Anh phù hợp hơn theo hướng tăng cường kỹ năng nghe - nói, tiếp cận với giáo trình quốc tế đáp ứng nhu cầu của xu thế hội nhập, phù hợp với vùng, miền.
Tổng số giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông là 1.369 giáo viên, trong đó 910 giáo viên được tuyển dụng vào biên chế (đạt 66,5%); thấp nhất ở bậc tiểu học (114/511, bằng 22,3%). Tổng kinh phí thực hiện đề án từ năm 2011 - 2017 là 272 tỷ 620 triệu đồng.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bổ sung định mức biên chế giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học