Luật cư trú 2020 mới được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ 1.7. Thời gian ''khai tử'' sổ hộ khẩu giấy là điều người dân rất quan tâm. Các giao dịch dân sự, học hành... sẽ như thế nào?
Chị Hoàng Nhi (Q.3) nhập khẩu cho con mới sinh tại Công an quận 3, TP Hồ Chí Minh - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo luật này, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31.12.2022. Vì sao vẫn kéo dài thời hạn có giá trị của sổ hộ khẩu?
Bỏ 7 thủ tục đăng ký cư trú
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành, kết nối thông suốt giữa các cơ quan, tổ chức, địa phương, chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ tự chấm dứt vai trò. Việc này có thể sớm hơn 31.12.2022.
Hiện Bộ Công an đã ra văn bản giới thiệu một số nội dung cơ bản và điểm mới của Luật Cư trú năm 2020. Từ ngày 1.7, khi người dân đăng ký thay đổi thông tin trong hộ khẩu, cảnh sát sẽ cập nhật vào trong cơ sở dữ liệu về cư trú và thu hồi sổ giấy.
Từ thời điểm đó, các giao dịch của công dân liên quan đến thông tin về cư trú sẽ được sử dụng trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Lãnh đạo Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp Bộ Công an (gọi tắt là Cục Pháp chế) cho rằng cùng với việc quản lý cư trú theo phương thức mới "số hóa dữ liệu" sẽ bỏ hoàn toàn 7 thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký cư trú gồm: cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu, cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh thay đổi trong sổ tạm trú và gia hạn tạm trú.
"Công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã có trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ này khi làm thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự, chỉ cần mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng. Công dân được giảm chi phí sao y chứng thực, cấp, cấp đổi, cấp lại các giấy tờ có liên quan nếu bị mất, hỏng...", lãnh đạo Cục Pháp chế phân tích.
Cũng theo Cục Pháp chế, khi "số hóa dữ liệu", thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước xác nhận, công dân không phải phụ thuộc vào nơi cư trú của mình.
Cơ quan nhà nước sẽ nâng cao hiệu quả quản lý về dân cư và giảm thiểu chi phí để lưu trữ khối lượng hồ sơ, tăng cường công khai các thủ tục hành chính, thủ tục hành chính công qua mạng...
Nhiều cách khai thác thông tin về cư trú
Người dân băn khoăn những giao dịch hành chính sẽ được thực hiện như thế nào khi không còn sổ hộ khẩu? Từ 1.7, cơ sở dữ liệu bao nhiêu ngành được liên thông với nhau?
Lãnh đạo Cục Pháp chế cho biết Bộ Công an đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng từ trung ương đến địa phương (cấp xã, phường, thị trấn) và bước đầu triển khai một số dịch vụ tra cứu, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu. Bộ Công an đang gấp rút kết nối, chia sẻ thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, hoàn thiện các phương thức khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đó, từ 1.7, nếu người dân không sử dụng sổ hộ khẩu vẫn có thể khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện các giao dịch liên quan đến thông tin về cư trú.
Từ ngày 1.7, CSDLQGVDC sẽ sẵn sàng kết nối với tất cả cơ sở dữ liệu chuyên ngành khi cơ sở dữ liệu chuyên ngành đó đủ điều kiện. Hiện tại đã có một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành sẵn sàng kết nối như: Văn phòng Chính phủ (Cổng dịch vụ công quốc gia); Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính (mã số thuế); Bộ Tư pháp (cấp số định danh cá nhân cho trẻ em); Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 63 UBND các tỉnh, thành phố.
Theo tính toán của Văn phòng Chính phủ, dự án CSDLQGVDC đi vào hoạt động có thể tiết kiệm được 4.000 tỷ đồng mỗi năm trên toàn quốc do không phải in ấn, photo, nộp các giấy tờ. Ngoài ra, con số tiết kiệm chi phí đi lại, công sức, thời gian của người dân cũng rất lớn.
Theo Tuổi trẻ