“Bỏ quên” di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu

23/08/2016 07:58

Hiện nay, nhiều di tích cách mạng trên địa bàn tỉnh không ai quản lý, thậm chí không còn hiện trạng, chưa phát huy được giá trị lịch sử...



Ga Hải Dương là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ và nói chuyện với nhân dân Hải Dương vào ngày 21-10-1946,
nhưng hiện chưa có bia ghi dấu sự kiện lịch sử ý nghĩa này


Hải Dương hiện có 145 di tích lịch sử cách mạng (DTLSCM), trong đó có 48 di tích tiêu biểu. Đây là những con số Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đưa ra sau gần 2 năm nghiên cứu, triển khai Đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị DTLSCM tiêu biểu tỉnh Hải Dương”. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của các di tích này hiện còn nhiều bất cập.


Trong 48 DTLSCM tiêu biểu, hiện mới chỉ có 11 di tích được các cấp xếp hạng, còn lại chưa được công nhận; có 12 di tích chưa có tổ chức quản lý, 26 di tích không còn hiện trạng (chỉ là những sự kiện lịch sử). Nhiều di tích bị xâm hại, sử dụng sai mục đích trong thời gian dài. Không ít di tích đã xuống cấp. Việc khai thác, phát huy ý nghĩa lịch sử của một số di tích chưa tương xứng.

Ga Hải Dương thuộc phường Quang Trung (TP Hải Dương) là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân vào ngày 21-10-1946 (sau khi Người dự hội nghị Fontainebleau ở Pháp, trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội bằng tàu hỏa). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và nói chuyện với nhân dân Hải Dương về kết quả đàm phán, âm mưu của giặc và những khó khăn của đất nước. Qua đó, Bác kêu gọi đồng bào Hải Dương đoàn kết, nêu cao tinh thần cảnh giác, chuẩn bị lực lượng, vũ khí sẵn sàng chiến đấu giữ bằng được nền độc lập, tự do của dân tộc. Sự kiện này có ý nghĩa lớn nhưng hiện tại ga Hải Dương chưa có bia hoặc biển hiệu ghi dấu sự kiện lịch sử ý nghĩa này.

Tại ao làng thôn Long Động, xã Nam Tân (Nam Sách) đã diễn ra sự kiện quân thù hành quyết người nữ anh hùng Mạc Thị Bưởi. Chị Mạc Thị Bưởi là chiến sĩ du kích kiên trung của xã Nam Tân, trong khi làm nhiệm vụ liên lạc đã bị địch bắt vào đêm 18-4-1951. Bị địch tra tấn dã man nhưng chị quyết không khai cơ sở cách mạng và nơi cất giấu tài liệu của Đảng. Chị còn tìm cách dụ địch đưa chị về thôn Long Động rồi khéo léo báo cho người dân bảo vệ an toàn tài liệu mật. Không khai thác được thông tin gì, địch hành quyết dã man chị tại đây. Với hành động dũng cảm đó, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tuy nhiên, ao làng xưa hiện đã bị thu hẹp và nằm trong khuôn viên của gia đình anh Nguyễn Văn Dưỡng. Tại đây, cũng chưa có bia ghi dấu sự kiện lịch sử này.

Nhà tù Hải Dương do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1884, nay thuộc khuôn viên của Công an tỉnh (phường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương). Trước kia, khu vực nhà tù rộng 5 ha, xây dựng thành 3 dãy. Cách nhà tù 180 m là Sở Mật thám, nơi đây có nhà giam xây bằng bê tông kiên cố, chuyên giam giữ tù chính trị đặc biệt. Trong phong trào đấu tranh cách mạng, thực dân Pháp đã bắt, tra tấn dã man nhiều tù nhân Hải Dương. Ngày 30-10-1954, thị xã Hải Dương được giải phóng, nhà tù Hải Dương chính thức khép lại quá khứ hoạt động sau 70 năm. Di tích có ý nghĩa lịch sử chính trị, giáo dục lớn nhưng hiện nay đang bị xuống cấp và bị xâm lấn, sử dụng vào các mục đích khác.

Nhiều di tích khác như Quảng trường Độc lập (phường Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương), nơi tổ chức lễ mít tinh giành chính quyền ở thị xã Hải Dương năm 1945; nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên, tiền thân của Đảng bộ huyện Gia Lộc hiện không còn dấu tích xưa...



Nơi diễn ra sự kiện Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mạc Thị Bưởi bị địch hành quyết vẫn chưa có bia ghi dấu


Hiện tại, Ban Chủ nhiệm đề tài đang biên soạn và hoàn thiện cuốn sách về 48 DTLSCM tiêu biểu. Đây sẽ là cuốn sách đầu tiên tập hợp các DTLSCM tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2015, Ban Chủ nhiệm đề tài đã hoàn thiện 3 tập phim tài liệu, mỗi tập dài 15 phút để lưu giữ, giới thiệu và quảng bá các DTLSCM tiêu biểu. Theo đánh giá của ông Trần Công Dưỡng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, đây là công trình nghiên cứu khoa học độc lập đầu tiên về DTLSCM tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, tách khỏi di tích lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia sử học, sau khi nghiệm thu đề tài, để bảo tồn và phát huy các giá trị của các DTLSCM tiêu biểu còn nhiều việc phải làm.

Trước hết, Ban Chủ nhiệm đề tài cần đề nghị UBND tỉnh công nhận 48 DTLSCM tiêu biểu. Tham mưu cho UBND tỉnh giao cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương có trách nhiệm quản lý từng di tích.

Ngay từ bây giờ, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương cần xây dựng chủ trương, đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo, dựng bia ghi dấu tại các DTLSCM tiêu biểu; phân theo lộ trình thời gian và mức độ ảnh hưởng về ý nghĩa lịch sử của các di tích để có kế hoạch triển khai phù hợp. Ban Chủ nhiệm đề tài phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tích cực quảng bá giới thiệu về các DTLSCM tiêu biểu và đưa vào kế hoạch phát triển du lịch văn hóa của tỉnh. Sau khi biên soạn và dựng phim có thể phát hành sách, đĩa DVD về các di tích đến đông đảo người dân và du khách để ý nghĩa của các DTLSCM tiêu biểu có sức lan tỏa sâu rộng hơn.

THÚY HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Bỏ quên” di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu