Thằng bé khóc thút thít suốt ba ngày qua. Chị Hằng dỗ mãi mà không ăn thua. Chị mua kẹo, đồ chơi cho con, nó cười vui vẻ.
Nhưng chỉ được vài tiếng, khi nhớ đến bố, nó bỏ tất cả và khóc, miệng cứ luôn nói: “Sao bố lâu về vậy mẹ? Bố nói dối con! Con không chơi với bố nữa”. Chị Hằng phải cố xoa dịu con rằng: “Bố phải làm việc chăm chỉ, kiếm thật nhiều tiền để lo cho Bin và mẹ. Bố là trưởng phòng, bố phải có trách nhiệm với công việc, công ty, con ạ!”. Nhưng rồi thằng bé hỏi vặn lại một câu làm chị nghẹn họng: “Bố mê tiền nên quên mẹ con mình, phải không mẹ?”.
Thật sự không riêng gì thằng bé, mà ngay cả chị cũng nhớ chồng quay quắt. Khác với những lần trước đi công tác chỉ vài ngày, lần này anh biệt tăm đến hơn một tháng. Anh hứa sẽ tranh thủ về trước ngày Giáng sinh nhưng hôm nay đã đến rồi mà không thấy bóng dáng anh đâu. Gọi điện thoại thì anh bảo đang làm việc. Thằng Bin chen vào chỉ mới nói mấy câu: “Con nhớ bố”, thì anh đã cúp máy làm thằng nhỏ bật khóc. Riết rồi chị cũng không muốn gọi làm gì, chỉ tổ gây thêm phiền phức, mặc dù chị rất mong anh về sớm để đoàn viên gia đình. Chị đã quá mệt mỏi khi ngày nào cũng nghe tiếng khóc của con mình, nó càng xoáy vào nỗi nhớ nhung của chị nhiều hơn. Cứ mỗi lần nghe tiếng xe xịch đỗ trước cổng nhà là chị lao ra như người sắp chết đuối vớ được phao cứu hộ. Nhưng rồi chị càng tuyệt vọng trong nước mắt. Chị cũng là con người, cũng có tuyến lệ, nên khóc là lẽ thường tình. Nhưng chị luôn kìm nén cảm xúc trước mặt con. Mãi đến khi về đêm, lúc đi ngủ, chị lại ngập ngụa trong những giọt nước mắt mặn chát lăn dài trên gối. Căn phòng im lặng đến nghẹt thở. Thường ngày có hơi ấm của anh, chị chìm sâu trong giấc ngủ ngon. Giờ lẻ loi một mình, ác mộng cứ kéo về làm chị nửa tỉnh nửa mơ. Hai mắt thâm quầng vì nhớ chồng đến da diết.
Cũng đôi lần chị nghi ngờ chồng mình tòm tem bên ngoài. Anh viện cớ đi công tác lâu ngày là để gặp mặt tình nhân. Đàn ông ra bên ngoài xã hội ai chẳng đào hoa, nhất là người bảnh trai, phong độ như anh. Chị đã từng nghe thấy rất nhiều ông đi công tác dài hạn rồi trở về với “cục nợ”… Nhưng rồi chị gạt phăng những suy nghĩ vớ vẩn ấy bằng niềm tin. Chị tin tưởng ở chồng mình (và có lẽ anh ấy cũng tin tưởng ở chị). Tuy điển trai nhưng anh ấy rất chung thủy, thương yêu vợ con. Chưa bao giờ chị nghe đồng nghiệp, gia đình, hàng xóm phàn nàn về anh bất cứ điều gì, kể cả chuyện tình ái. Anh luôn sống có trách nhiệm, không để người khác chờ đợi, lo lắng hay nghĩ những chuyện không hay.
Nhưng lần này thì khác. Anh đã làm chị lo lắng đến độ không tập trung vào việc nội trợ, nhớ trước quên sau. Sự lo lắng đã chuyển hóa thành lo sợ. Chị nghĩ đến bao điều không hay mà những người bạn chị từng cảnh báo: “Cậu cẩn thận đấy, đàn ông bảnh trai toàn là những kẻ phong lưu. Giữ không chặt, không khéo anh ấy ra ngoài mèo mỡ là toi!”. Nhưng thôi, chị cứ mặc, nếu người ta có tư tưởng phản bội thì dù có giữ bên mình liệu có hạnh phúc được không? Vì vậy mà giờ chị chỉ nghĩ đến cảm xúc của con trai. Nhà chị theo đạo nên dù không có anh, chị vẫn trang hoàng nhà cửa cho có không khí Giáng sinh. Chị định tối nay sẽ chở con đi quanh xóm đạo ngắm cảnh một tý rồi về. Buổi tối này không có anh ở nhà nhưng không khí cũng náo nhiệt, lộng lẫy. Chị khéo tay, lại có mắt thẩm mỹ nên căn phòng đánh bật sự giá lạnh, âm u để đón sự ấm áp, nồng nàn. Đang định chở con dạo quanh xóm đạo thì có chuông cửa reo. Nhìn qua lớp kính trong suốt, chị thấy ông già Noel xuất hiện với bao quà trên vai. Chị ngạc nhiên xen lẫn suy nghĩ: “Ai tặng quà cho con mình nhỉ? Mấy chú, mấy cậu nó hay là bạn bè của mình? Có lẽ là bố nó chăng?”. Chị vội vàng ra mở cửa, mang theo những xáo trộn trong đầu.
Nhìn thấy ông già Noel, thằng con chị mừng như bắt được vàng. Nó reo to, nhảy chồm lên để vuốt chòm râu bạc phơ của ông. Ông già Noel ân cần hôn thằng bé, rồi lấy từng loại quà trong bao ra. Nào là đồ chơi, bánh kẹo, quần áo, giày dép... Thằng con chị Hằng chìm ngập trong niềm vui, cảm ơn ông rối rít. Nhưng bất giác, thằng bé reo to như muốn vỡ tung ngôi nhà: “Bố! Bố phải không! Con nhận ra bố rồi!”. Thì ra là qua nốt ruồi to và chiếc đồng hồ đeo trên tay, cùng giọng nói hao hao, thằng bé đã cảm nhận được tình cảm thiêng liêng của bố. Đúng là thế. Chồng chị Hằng vội cởi phăng bộ đồ Noel để trở về với một gã trưởng phòng đi xa nhà bấy lâu. Khỏi phải nói, hai mẹ con hạnh phúc ôm chầm lấy “ông già Noel”.
Ngoài phố, dòng người đi đón Giáng sinh nô nức. Cả nhà chị Hằng tay trong tay dạo công viên mà ngập tràn niềm vui. Cái lạnh cứa da cứa thịt của mùa đông đã gục ngã trước ngọn lửa thiêng của gia đình chị. Họ đi giữa ngày đông mà vẫn thấy ấm áp trong lòng.
TRUNG ĐẶNG