Bộ sẽ bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn sách giáo khoa; việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu sách và lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.
Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đang nghiên cứu để bổ sung các quy định liên quan đến việc ban hành sách giáo khoa mới.
Sẽ chặt chẽ hơn trong thực nghiệm?
Cụ thể, Bộ sẽ bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn sách giáo khoa; việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu sách khi hội đồng thẩm định đánh giá đạt và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành. Dự kiến thực hiện lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử của Bộ, tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Theo quy định hiện hành, sách giáo khoa mới có được thực nghiệm và kết quả thực nghiệm là một phần trong hồ sơ gửi hội đồng thẩm định sách giáo khoa. Tuy nhiên, việc thẩm định do nhóm tác giả tự tổ chức thực hiện.
Theo giáo sư Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, Bộ sách Cánh diều đã được nhóm tác giả báo cáo về việc dạy thực nghiệm và Hội đồng thẩm định cũng đã kiểm tra rất kỹ các thông tin như thực nghiệm bao lâu, ở trường nào, kết quả ra sao. “Việc thực nghiệm là do các tác giả và nhà xuất bản chứ không phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo,” ông Chừ nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc bộ sách Cánh diều dù đã được thực nghiệm trong trường học nhưng khi chỉ sau vài ba tuần áp dụng đại trà lại bộc lộ những hạn chế và buộc phải điều chỉnh đã cho thấy việc thực nghiệm chưa hiệu quả.
Sách giáo khoa Cánh diều khiến dư luận "dậy sóng" vì cách chọn và trình bày ngữ liệu chưa hợp lý
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Công nghệ Victory, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) bộ sách mới có thời gian thực nghiệm quá ngắn, chỉ vài ba tháng nên khó tránh khỏi những “hạt sạn”. “Các sách giáo khoa theo chương trình năm 2000 đều có thời gian thực nghiệm lên đến vài năm,” ông Thành cho hay.
Mở rộng kênh phản biện
Bên cạnh vấn đề dạy thực nghiệm, việc công khai bản mẫu sách giáo khoa để dư luận cùng góp ý cũng là một chủ trương được nhiều người quan tâm. Trong việc thẩm định sách giáo khoa lớp 1, tất cả mọi thông tin về bản thảo sách, biên bản thẩm định... đều được giữ kín. Ngay cả sách đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định ban hành, người dân vẫn chưa được biết bản mẫu sách mà phải đợi đến tận khi sách được in bán đại trà trước thềm năm học mới.
Tiến sỹ Giáp Văn Dương cho rằng sau sự cố sách Cánh diều, bài học quan trọng với Bộ Giáo dục và Đào tạo là thẩm định sách giáo khoa cần bài bản, khoa học, minh bạch hơn. Bản thảo của các bộ sách cần được công bố rộng rãi để lấy ý kiến góp ý của người dân, nhất là các phụ huynh, chuyên gia giáo dục bên cạnh ý kiến góp ý của hội đồng thẩm định.
Với các phân tích trên, các chuyên gia giáo dục nhận định việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến điều chỉnh trong quy trình ban hành sách giáo khoa mới sẽ góp phần quan trọng để có sách giáo khoa chất lượng hơn cho học sinh, trước mắt là với sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6.
Theo ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 33 bản mẫu sách của đầy đủ 9 môn học lớp 2 và 43 bản mẫu sách của đầy đủ 11 môn học lớp 6 đang được thẩm định. Hội đồng thẩm định của các sách này đã hoàn thành vòng một và sẽ hoàn thành thẩm định vòng hai vào cuối tháng 10 với lớp hai và vào trung tuần tháng 11 với lớp 6. Các sách này sau khi đạt thẩm định và được Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định ban hành sẽ được triển khai đại trà trong các nhà trường trên cả nước bắt đầu từ năm học 2021-2022.
Theo Vietnam+