Hai tuần sau khi trận lũ quét kinh hoàng xảy ra ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), gần 300 chiến sĩ của Trung đoàn 98 và các đơn vị của Sư đoàn 316 Quân khu 2 phối hợp cùng cảnh sát cơ động, biên phòng tỉnh Lào Cai và 5 chó nghiệp vụ vẫn nỗ lực tìm kiếm những nạn nhân mất tích Số người chết sau vụ lũ quét Làng Nủ là 55 người, hiện còn 12 người mất tích Việc tìm kiếm tiếp tục gặp khó khăn vì sụt lún vẫn còn rất sâu, có những khu vực các chiến sĩ không thể tiếp cận phải nhờ đến các phương tiện xe cơ giới hỗ trợ Rạng sáng 10/9, đất đá bất ngờ theo dòng lũ tràn từ ngọn núi Con Voi xuống khu dân cư, san phẳng 37 căn nhà thôn Làng Nủ với hơn 100 nhân khẩu Ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở, Trung đoàn 98 thuộc Sư đoàn 316 Quân khu 2 điều động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ cơ động thần tốc lên làm nhiệm vụ cứu hộ, tìm kiếm các nạn nhân Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 và ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm các nạn nhân tại hiện trường Từ một làng quê yên bình, Làng Nủ giờ đây không còn tiếng cười nói rộn ràng, tiếng trẻ con nô đùa, mà chỉ còn tiếng khóc xé lòng của những người ở lại. Dưới nắng nóng 32-34 độ C, bộ đội, dân quân tự vệ cả ngày cầm gậy, cuốc lội bùn tìm thi thể nạn nhân Sau nhiều ngày mưa lớn, lượng nước khổng lồ đổ về thung lũng, cuốn theo rất nhiều bùn rác. Các chiến sĩ phải ngâm mình trong nước và bùn nhão, dùng tăm sủi thăm dò vị trí nạn nhân Trong tiết trời nắng nóng, các chiến sĩ phải lật từng tảng đá, bới từng gốc cây tìm kiếm người mất tích Có những đoạn ngổn ngang, các cán bộ, chiến sĩ tay không bới bùn, truy mọi ngóc ngách, bụi cây, khe suối Bùn lầy không chỉ làm cho việc di chuyển trở nên khó khăn, mà còn che lấp những mối nguy hiểm tiềm tàng từ vụ sạt lở. Các chiến sĩ dò bước dưới lớp bùn nhão, phải tránh vô số vật nhọn như đinh, mái tôn... và thậm chí cả những con dao sinh hoạt hàng ngày từ những ngôi nhà bị cuốn đi Trong điều kiện địa hình đầy nguy hiểm ấy, những chiến sĩ lội bùn tìm kiếm không ít lần gặp phải tai nạn. Binh nhất Thào Mí Lình (20 tuổi, chiến sĩ Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316) dẫm phải một mũi đinh lớn, xuyên sâu vào lòng bàn chân Để đẩy nhanh công tác tìm kiếm, 5 chó nghiệp vụ được đưa vào hỗ trợ ở vị trí có địa hình khó khăn. Đến chiều 13/9, khu vực tìm kiếm đã được mở rộng đến 10km xuống hạ lưu Những ngày đầu tìm kiếm, cứ chốc chốc lại có thêm một thi thể người Làng Nủ được đưa lên khỏi lớp đất đá Các chiến sĩ của Sư đoàn 316 liên tục cùng nhau khiêng người tử nạn lên con dốc ở lưng chừng bản (cách 700m) để làm công tác pháp y và bàn giao cho người nhà an táng Ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ chia sẻ: "Ngay sau khi xảy ra sự việc, được cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là bộ đội Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 giúp dân tìm kiếm các nạn nhân, chúng tôi thật sự cảm động và biết ơn. Những phần việc rất nguy hiểm, gian khổ là vậy nhưng các chiến sĩ như quên đi tất cả, thực sự là "điểm tựa" của bà con Làng Nủ trong những lúc khó khăn, cơ cực này" “Những ngày qua, chúng tôi rất xúc động trước tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ. Các anh không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, ngày đêm dầm mình trong nước lũ, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Nhân dân rất biết ơn Bộ đội Cụ Hồ”, chị Hoàng Thị Chiêm (ở xã Phúc Khánh) xúc động nói Sau nhiều giờ làm việc, các chiến sĩ tranh thủ nghỉ trưa tại các khu vực xung quanh Nhà văn hóa thôn Làng Nủ, ăn cơm hộp. Bữa cơm ngoài tiêu chuẩn quân đội còn có thực phẩm hỗ trợ như xôi, bánh, mì tôm, hoa quả Sau bữa trưa, người mắc võng, người tìm nơi bóng mát, người kéo tấm vỏ bao kê dưới nhà sàn ngủ để hồi phục sức khỏe, đến 13 giờ 30 tiếp tục tìm kiếm. Khu vực sạt lở vẫn mất an toàn nên buổi tối, bộ đội di chuyển về ở nhờ nhà dân cách hiện trường hơn 5km Hiện tại, Sở chỉ huy tiền phương tại Làng Nủ tiếp tục tập trung lực lượng, khảo sát, xác định thêm những vị trí có khả năng có người bị vùi lấp; tập trung nhân lực, máy móc, phương tiện để tìm kiếm 12 nạn nhân còn mất tích Liên quan đến việc tái thiết Làng Nủ, ngày 21/9, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức khởi công xây dựng khu tái định cư rộng 10ha, cách vị trí cũ khoảng 3km.
Khu tái định cư nằm trên đồi sim, gồm 40 nóc nhà được xây dựng hai tầng kiểu truyền thống của người Tày cùng bếp, nhà vệ sinh, tổng diện tích mỗi hộ 1.000 m2.
Khu dân cư được đầu tư đồng bộ, từ nhà ở đến nhà văn hóa, điểm trường, đường, điện, nước, đảm bảo cho người dân sinh sống ổn định.
Kinh phí xây dựng từ nguồn xã hội hóa, Hội Kiến trúc sư Việt Nam chịu trách nhiệm thiết kế.
TB (theo VTC)