Tại dự thảo nghị định mới liên quan Luật Cư trú, Bộ Công an đề xuất bổ sung một số nội dung quy định về nơi cư trú của người không có nơi thường trú, tạm trú.
Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú. Dự thảo nghị định mới này sẽ thay thế cho nghị định 62/2021 hiện hành.
Tại dự thảo, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung một số nội dung quy định về nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú.
Theo đó, người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo ngay thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.
Trường hợp đã có nơi thường trú nhưng nơi thực tế sinh sống chưa đủ điều kiện để đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì khai báo thông tin về nơi ở hiện tại với cơ quan đăng ký cư trú nơi đang thực tế sinh sống để cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào cơ sở dữ liệu về cư trú.
Trường hợp qua kiểm tra, rà soát, cơ quan đăng ký cư trú phát hiện người thuộc trường hợp phải khai báo thông tin về cư trú thì có trách nhiệm hướng dẫn và yêu cầu người dân đó thực hiện việc khai báo.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan đăng ký cư trú yêu cầu người dân khai báo thông tin về cư trú, người dân phải có trách nhiệm đến cơ quan đăng ký cư trú để thực hiện khai báo.
Cũng theo dự thảo, việc khai báo thông tin về cư trú được thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến qua dịch vụ công, ứng dụng định danh và xác thực điện tử nếu công dân đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hồ sơ khai báo thông tin về cư trú gồm tờ khai thay đổi thông tin về cư trú và giấy tờ, tài liệu khác (nếu có).
Dự thảo cũng quy định trường hợp người khai báo thông tin về cư trú không có giấy tờ tùy thân, cơ quan đăng ký cư trú phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra, xác minh thông tin nhân thân của người khai báo.
Trường hợp qua kiểm tra, xác minh mà xác định thông tin người khai báo thông tin về cư trú đã khai báo là chưa chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú có văn bản từ chối tiếp nhận khai báo thông tin về cư trú.
Đồng thời, đề nghị người đó khai báo lại để kiểm tra, xác minh theo quy định (trừ trường hợp thông tin người khai báo lại đúng với kết quả đã xác minh trước đó). Thời hạn kiểm tra, xác minh lại được tính như thời hạn kiểm tra, xác minh lần đầu.
Qua kiểm tra, xác minh nếu có căn cứ xác định người đến khai báo là công dân Việt Nam và thông tin mà người đó khai báo là chính xác thì cơ quan đăng ký cư trú tiến hành cập nhật thông tin người đó vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định.
Việc này để đề nghị cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an xác lập, cấp số định danh cá nhân. Cơ quan đăng ký cư trú cấp giấy xác nhận thông tin về cư trú cho người dân theo quy định.
UBND cấp xã căn cứ vào giấy xác nhận thông tin về cư trú của công dân và thông tin của công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiến hành việc cập nhật thông tin về hộ tịch và cấp giấy tờ liên quan đến nhân thân cho người dân theo thẩm quyền.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề xuất bổ sung một số giấy tờ chứng minh nhân thân.
Theo đó, trường hợp vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con và một số trường hợp khác bổ sung thêm căn cước, căn cước điện tử, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Bên cạnh đó, bổ sung giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ người giám hộ gồm quyết định cử người giám hộ, căn cước, căn cước điện tử, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Kho dữ liệu điện tử, xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã tại nơi cư trú...
TB (theo Tuổi trẻ)