Bỏ con một mình

19/12/2016 10:57

Anh chị đều là công nhân làm chung trong một nhà máy. Trước kia thì làm cùng kíp nhưng kể từ khi có con, anh chị xin làm khác ca để có thời gian trông nom, chăm sóc cho con.



Do đi làm ăn xa nên lúc con mọn đều không nhờ được hai bên nội ngoại. Mà anh chị cũng không đành gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. Một phần vì không nỡ xa con, một phần vì sợ con thiếu thốn tình cảm lớn lên không bù đắp được. Nên cả nhà đành phải tự xoay xở bồng bế, quấn bọc lấy nhau. Hết thời gian nghỉ sinh, chị đi làm trở lại và bắt đầu phải “giao ca con” với anh. Những hôm hai ca liền nhau, không còn cách nào khác đành phải gửi con bên hàng xóm. Hoặc là khóa cửa để con ngủ một mình trong nhà rồi anh phóng vội đến công ty. Chị giao ca xong lại tất tưởi chờ anh đến để lấy xe đi giữa đêm khuya mong về với con sớm phút nào đỡ lo phút ấy. Sự mệt mỏi khiến chị chỉ biết cố gắng làm tròn trách nhiệm mà cứ tưởng đã yêu thương và cho con tất cả những điều tốt nhất. Để bây giờ mới ngộ ra suốt bao nhiêu năm chị chỉ hiểu nỗi vất vả của mình mà không biết được nỗi sợ hãi bám riết lấy con.

Anh chị dồn tất cả số tiền tích cóp, vay mượn thêm mua một căn nhà tập thể cũ. Nhà cách xa chỗ làm hơn chục cây số, hàng ngày đều có xe công ty đưa đón. Đi xe ô tô vừa an toàn lại vừa dễ chịu, vì mùa đông không lo mưa lạnh, mùa hè đã có điều hòa. Nhưng hôm nào phải giao ca con thì anh chị đi xe máy để tranh thủ thời gian. Nhưng dù anh chị có giao ca nhanh thì khoảng thời gian bỏ con lại một mình cũng phải gần một tiếng. Chỉ kịp dặn cô hàng xóm “nhớ chạy qua nếu thấy cu Bin khóc”. Nhiều hôm vừa đi làm về đã nghe thấy tiếng con khóc váng cả khu tập thể. Chị leo vội lên mấy tầng nhà, mồ hôi vã ra như tắm, đón con từ tay hàng xóm, chị dỗ dành thì ít mà mắng mỏ thì nhiều. Bởi suốt mười tiếng làm việc không ngừng nghỉ cơ thể chị muốn rời ra từng khớp. Thậm chí trên đường về nếu không nghĩ đến con có lẽ chị đã phó mặc tay lái cho cơn buồn ngủ. Vậy mà dỗ dành mãi con vẫn cứ ôm chặt chị khóc nấc lên. Có hôm bực quá chị đã dùng đến đòn roi, bao nhiêu mệt nhọc chị quất vào da thịt thằng bé cho hả giận. Chị mắng con chỉ biết quấy khóc mà không biết thương mẹ. Chị còn phải đi tắm giặt, còn bao nhiêu công việc khác phải lo. Chị chưa biết đến lúc nào mới được đặt lưng xuống giường nếu con cứ hờn khóc như thế mãi.

Rồi nhiều đêm trở về nhà thấy con ngồi co mình trong xó tối, khi thì dưới gầm bàn, lúc nấp sau cánh cửa. Sờ tay bật công tắc điện chị thấy con hiện lên bé nhỏ và đáng thương biết nhường nào. Nhưng chị cũng chỉ kịp hỏi: “Sao con không ngủ đi, thức làm gì?”. Thằng bé lí nhí bảo: “Con chờ mẹ  mãi”. Bây giờ cu Bin đã thôi không khóc mỗi khi chờ chị nữa. Ban đầu chị chỉ hiểu đơn giản rằng đòn roi làm thằng bé sợ. Mà không biết được nỗi sợ hãi bóng tối và sự bất an xâm chiếm từng suy nghĩ non nớt của con. Nhiều đêm đang ngủ thằng bé giật mình nói mơ: “Bố mẹ đừng bỏ con một mình. Con sợ lắm”. Nhưng chẳng còn cách nào khác, nó vẫn phải một mình đối diện bóng tối suốt những năm tháng ấu thơ. Sau này khi chuyển khỏi căn nhà tập thể, anh chị có biết bao kỷ niệm để nhớ, chỉ có thằng bé là chẳng nuối tiếc gì. Trong cuốn nhật ký của con chị vô tình đọc được, con ghi: “Căn nhà tập thể là thế giới bóng tối đầy ám ảnh”.

Khi chị nhìn thấu thế giới của con thì con đã lớn rồi. Nỗi sợ hãi thơ ấu ăn sâu vào ký ức con không cách nào gột bỏ. Đòn roi và sự vô tâm của chị khiến con ngày càng ít nói, ngại chia sẻ và co ro trong từng ý nghĩ của mình. Anh chị nghĩ đơn giản quá, cứ tưởng cố gắng kiếm tiền là lo cho con được cuộc sống đủ đầy mà không biết rằng thứ con cần nhất lại chính là sự quan tâm, lắng nghe và thấu hiểu. Đã lâu lắm rồi, hôm nay chị mới viết một bức thư, thư xin lỗi con vì đã bỏ con lại một mình trong bóng tối…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bỏ con một mình