Bộ Chính trị cấm bố trí người nhà cùng làm lãnh đạo tại 13 ngành

21/07/2023 07:13

13 ngành gồm: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát.

Quy định 114-QĐ/TW (Quy định 114) của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nêu rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; người đứng đầu các cơ quan tham mưu; cán bộ tham mưu trong kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Phải gương mẫu trong xem xét, bố trí người nhà

Trong đó, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo chuyển đổi vị trí công tác, địa bàn, lĩnh vực đối với cán bộ tham mưu, theo dõi, phụ trách công tác cán bộ vi phạm kỷ luật, có dư luận xấu hoặc khi cần thiết. 


Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký Quy định số 114 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

Đặc biệt là không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh: Thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Ngoài ra, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cũng không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

Trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp uỷ cấp trên trực tiếp trước khi bố trí.

Đối với chức danh thuộc diện cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương quản lý phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương; chức danh thuộc diện Trung ương quản lý phải báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo phải gương mẫu trong xem xét, bố trí người có quan hệ gia đình, thân quen vào vị trí người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc; giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý khác.  

Quy định cũng nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi có thông báo nghỉ hưu, thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc đang bị xem xét kỷ luật, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo phải báo cáo và được sự đồng ý của thường trực cấp uỷ cấp trên trực tiếp trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Với người đứng đầu là cán bộ diện Trung ương quản lý phải báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương.

Tự giác không ứng cử, không nhận quy hoạch, bổ nhiệm nếu thấy không đủ năng lực, sức khoẻ

Quy định 114 cũng nêu rõ trách nhiệm của nhân sự phải báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác, rõ ràng hồ sơ lý lịch đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và kê khai trung thực tài sản, thu nhập theo quy định; tự giác không ứng cử, không nhận đề cử, quy hoạch, bổ nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, khen thưởng, chế độ, chính sách nếu bản thân thấy không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, uy tín, năng lực, sức khoẻ. 

Bộ Chính trị nghiêm cấm việc trực tiếp hoặc thông qua người khác, phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để lan truyền thông tin không đúng sự thật, tố cáo sai sự thật nhằm đề cao bản thân, hạ thấp uy tín người khác trong công tác cán bộ. 

Về trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Bộ Chính trị cũng đưa ra hàng loạt quy định, trong đó có việc bảo vệ và khen thưởng kịp thời những cá nhân phát hiện, phản ánh, cung cấp thông tin, tố cáo đúng các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; đồng thời, xử lý nghiêm những người tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng uy tín người khác. 

Trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm Quy định 114 thì cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Đồng thời, cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý.

Cụ thể bị khiển trách thì sau thời hạn ít nhất 12 tháng kể từ ngày quyết định khiển trách có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Bị cảnh cáo thì xem xét miễn nhiệm. Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định miễn nhiệm có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Bị cách chức thì sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày quyết định cách chức có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Với các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ có kết luận vi phạm thì chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định.

Quy định này có hiệu lực từ 11.7, thay thế Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23.9.2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. 

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Tin mới nhất
Bộ Chính trị cấm bố trí người nhà cùng làm lãnh đạo tại 13 ngành